Trả lời bạn xem truyền hình ngày 11/01/2022

Thứ 3, 11.01.2022 | 15:21:09
1,197 lượt xem

Câu 1. Ông Nguyễn Anh Đức, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: hành vi ngăn cản quyền thăm con sau ly hôn bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Quyền thăm nuôi con sau ly hôn được quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con sau khi ly hôn mà không bị ai cản trở. Như vậy, về cơ bản quyền thăm con sau ly hôn là không hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp người trực tiếp nuôi con có yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con và được chấp thuận thì quyền thăm con đối với người này sẽ bị hạn chế.

Người không trực tiếp nuôi con nếu không bị Toà án hạn chế quyền thì có quyền không hạn chế đối với việc thăm nom con cái. Người trực tiếp nuôi con không có quyền ngăn cản việc gặp mặt, thăm nom con của người kia nếu việc thăm nom con không cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con.

Quyền thăm con bị hạn chế bằng quyết định của Toà án khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Phá tán tài sản của con;

- Có lối sống đồi trụy;

- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội;

Trong từng trường hợp cụ thể, Toà án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân tổ chức theo quy định tại Điều 86 Luật HNGĐ để ra quyết định không cho cha, mẹ, trông nom, chăm sóc, quản lý tài sản của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con tối đa 5 năm.

Khi người không trực tiếp nuôi con không thuộc trường hợp bị hạn chế thăm con mà bị ngăn cản quyền thăm con thì có thể giải quyết bằng những cách sau:

- Thỏa thuận: Cần đặt ra vấn đề thỏa thuận về quyền thăm nom con khi giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng. Các bên nên thể hiện tinh thần thiện chí trong vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

- Khởi kiện ra Toà án: Khi bị ngăn cản quyền thăm con mà không thể thỏa thuận giải quyết được thì người có quyền thăm con có thể khởi kiện yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con. Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật HNGĐ.

Bất kỳ người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính, cụ thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, người bị ngăn cản quyền thăm có có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án.

Câu 2. Ông Mã Văn Thi, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: 

Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo đó, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo thời hiệu nhất định, cụ thể:

 - Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 01 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm này.

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nước ngoài. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Về nội dung giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:

- Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục; Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy.

- Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục.

- Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp.

- Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

- Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng./.

  • Từ khóa