Trả lời bạn xem truyền hình ngày 18/2/2020

Thứ 4, 19.02.2020 | 16:19:15
851 lượt xem

Câu 1. Ông Vy Hồng Nghĩa trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc hỏi: Biện pháp phòng lây nhiễm và trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân người bệnh khi mắc bệnh truyền nhiễm được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định cụ thể như sau:

- Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân.

- Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 32 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm

- Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

- Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.

- Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 33 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định.

- Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.

- Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Theo Điều 34 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Người bệnh có trách nhiệm:

+ Khai báo trung thực diễn biến bệnh;

+ Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

+ Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Câu 2. Ông Lăng Văn Phương trú tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan hỏi: người bị mất năng lực hành vi dân sự là những người nào? Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: 

Thứ nhất, thế nào là một người bị mất năng lực hành vi dân sự:

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về mất năng lực hành vi dân sự thì: 

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Thứ hai về thủ tục yêu cầu tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự

Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bốmột người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 319 Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, người yêu cầu phải nộp đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (Chính là giấy xác nhận của bệnh viện tâm thần về việc chị bạn bị tâm thần do nhiễm chât́ độc dioxin như bạn đã nêu).

Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật tố tụng dân sự:

- Ngày, tháng, năm viết đơn;

- Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;

- Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;

- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;

- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;

- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Sau khi thụ lý, tòa án tiến hành xét đơn yêu cầu. Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Câu 3. Ông Nguyễn Thành Thắng trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc quản lý tài sản của người được giám hộ?

Trả lời:

Theo Điều 59, Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc quản lý tài sản của người được giám hộ được quy định như sau:

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định của Bộ luật dân sự.

  • Từ khóa