Trả lời bạn xem truyền hình ngày 31/3/2020

Thứ 3, 31.03.2020 | 15:03:54
905 lượt xem

Câu 1. Bà Trịnh Minh Phương, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định của pháp luật hiện hành về Thỏa thuận chia, chấm dứt chia tài sản chung của vợ chồng như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này”.

Như vậy, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia tài sản chung, trừ trường hợp thỏa thuận này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ như nuôi dưỡng, cấp dưỡng; bồi thường thiệt hại; thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 39 của Luật này. Đó là:

“1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Theo đó, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản. Nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản. Có nghĩa là, vợ chồng có quyền thỏa thuận, ghi vào văn bản chia tài sản chung về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung.

Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, theo khoản 1 Điều 41 của Luật này, “vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này”.

Tóm lại, thỏa thuận về việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung cũng phải lập thành văn bản, có công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Khoản 2 của Điều này quy định: “Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật này. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

Câu 2. Ông Nông Văn Liêm trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định của pháp luật  về các trường hợp bị áp dụng xóa đăng ký thường trú như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2006 thì các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú bao gồm:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xoá đăng ký thường trú.

Tại Điều 11 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú, trình tự, thủ tục xóa đăng ký thường trú được quy định cụ thể như sau:

1. Xóa đăng ký thường trú là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.

2. Thủ tục xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp thuộc các điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú

a) Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú.

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong sổ đăng ký thường trú và trong sổ hộ khẩu;

c) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu, thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an phường, xã, thị trấn nơi có người bị xóa đăng ký thường trú;

d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có trách nhiệm thông báo Công an huyện. Sau khi điều chỉnh hồ sơ trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu, Công an huyện có trách nhiệm thông báo cho tàng thư căn cước công dân.

3. Thủ tục xóa tên đối với các trường hợp thuộc điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú:

a) Đối với các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho Công an huyện;

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo việc xóa đăng ký thường trú của Công an xã, thị trấn; Công an huyện phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến và thông báo cho tàng thư căn cước công dân;

b) Đối với các huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến.

4. Quá thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Sau thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xóa đăng ký thường trú.”

  • Từ khóa