Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới

Thứ 3, 10.01.2023 | 09:14:53
864 lượt xem

Cuối năm 2019, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về một căn bệnh mới đang lây lan ở Vũ Hán, thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc. Sau đó, nó nhanh chóng lây lan ra toàn cầu và được WHO công bố là một tình trạng y tế khẩn cấp vào ngày 11/3/2020.

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 1

Đến nay, cả thế giới đã ghi nhận hơn 666 triệu ca mắc và hơn 6,7 triệu ca tử vong vì Covid-19. Theo WHO, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao. 

Ủy ban Khẩn cấp về dịch Covid-19 thuộc WHO dự kiến sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của ủy ban vào tháng 1/2023.

WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Ngày 2/12/2022, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. 

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 3

Dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Vì thế tổ chức này khuyến cáo, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời các quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. 

Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh và hơn 43.100 ca tử vong. Trong năm 2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành khu vực miền Bắc, trong đó có đến 92% là biến chủng Omicron. Cụ thể là các biến thể BA.1, BA.2, BA.5, BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…

Bộ Y tế mới đây thông báo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM. XBB hình thành từ sự tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1, BA.2.75.

Theo WHO, biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ, ghi nhận tỷ lệ mắc biến thể này tăng từ 4% lên 41%, trong đó gần nửa số ca mắc này là do biến thể phụ XBB.1.5 gây ra.

WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron. Tuy nhiên vaccine phòng Covid-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 5

Chia sẻ tại một cuộc họp mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang được kiểm soát. Tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới. Đến nay, chúng ta đã tiêm được hơn 265 triệu liều vaccine phòng Covid-19.

Dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêm chủng. Một số địa phương không tiếp nhận số vaccine được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận/ điều chuyển vaccine trong khi tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi còn thấp. 

So với thời điểm cuối tháng 10/2022, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của các tỉnh/ thành phố tăng không đáng kể. Lý do, hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm cho nhóm này. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm còn thấp do người dân không đồng thuận tiêm chủng. 

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 7

Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện tại, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch/chiến dịch tiêm vaccine, hầu hết là giao cho ngành y tế thực hiện.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát và đang trở lại trạng thái bình thường mới. Số người mắc thời gian qua nhiều, trẻ em mắc có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.

Một bộ phận lớn người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine đối với công tác phòng, chống dịch nên chưa đồng thuận tiêm chủng, còn lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine. Có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.

Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch. 

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 8

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch Covid-19, chính sách đối với người nhập cảnh, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.

"Các địa phương, đặc biệt những nơi có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành đang tiêm chậm, thấp hoàn thành mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Hương nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh chúng ta vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay. Đồng thời cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các viện/bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ. 

Đối với các tỉnh, thành có cửa khẩu cần tăng cường lấy mẫu giám sát tại cộng đồng, tăng cường rà soát lại hệ thống điều trị, rà soát lại hệ thống lưu trú trên địa bàn để phục vụ hành khách nhập cảnh.

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 10

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết tình hình dịch tại các nước vẫn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. 

Thứ nhất là tiêm vaccine. 

Thứ 2, Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 bằng cách phối hợp với WHO, các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Thực hiện nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, chuyển từ "cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để làm sao vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn làm ăn kinh tế được, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Thứ 3, người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn thường xuyên... 

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 12

"Chúng ta không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền…", PGS Phu nhấn mạnh. 

Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Covid-19 bước sang năm thứ 3: Mối đe dọa từ các biến thể mới - 14


Đỗ Diệp - Nam Phương/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/covid-19-buoc-sang-nam-thu-3-moi-de-doa-tu-cac-bien-the-moi-20230110083714199.htm

  • Từ khóa