Đổi mới sáng tạo trong dạy học ở Suối Giàng

Thứ 5, 26.01.2023 | 09:01:47
561 lượt xem

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nằm ở độ cao hơn 1.300m có hầu hết là đồng bào H’Mông sinh sống, gặp nhiều khó khăn. Đối với giáo dục, học sinh khó tiếp cận công nghệ thông tin cũng như mạng internet, máy tính... Tuy nhiên, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, giáo viên Trường mầm non Suối Giàng đã có nhiều sáng kiến trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học.

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên cùng học sinh tham gia hoạt động bảo tồn trong không gian Trà Suối Giàng.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục Yên Bái triển khai xây dựng trường học hạnh phúc ở các cấp học, góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Tại Suối Giàng, việc xây dựng trường học xanh, sạch, an toàn và thân thiện gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông đã được cụ thể hóa và cô giáo Quyên đã lên kế hoạch để thực hiện.

Cô tận dụng nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương để xây dựng môi trường, tạo cho trẻ cảm giác gần gũi, an toàn khi đến lớp. Ngoài ra, cô tích cực tham gia xây dựng các giờ học hoạt động gắn liền với bối cảnh địa phương như hoạt động STEM “Bảo tồn và phát huy trà shan tuyết Suối Giàng”, xây dựng chợ quê, phòng trà truyền thống cho trẻ hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy đặc sản trà Suối Giàng ngay tại trường học.

Cô giáo Quyên xây dựng các chủ đề giáo dục STEM, là một mô hình giáo dục dạy trẻ em kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Điều đó tạo ra môi trường giáo dục gần gũi, có tính ứng dụng cao, phù hợp đặc điểm phát triển tâm, sinh lý của trẻ, đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục mầm non, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương, điều kiện học sinh theo học.

Ngoài ra, cô dành thời gian tự học, áp dụng các kiến thức mới, các mô hình giáo dục mới trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ như tham gia “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam” và được Microsoft công nhận là “chuyên gia giáo dục sáng tạo”, học tập và ứng dụng sáng tạo công nghệ thông tin vào công tác quản lý hồ sơ sổ sách của giáo viên và dạy học; tham gia “cộng đồng giáo viên STEM”, nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục STEM, nhóm đại sứ cùng học để học tập, phát triển bản thân.

Cô giáo Quyên được Hội đồng khoa học huyện Văn Chấn đánh giá và công nhận hai sáng kiến là: Sáng kiến “Dạy học theo định hướng STEM trong chương trình giáo dục mầm non”, “Đẩy mạnh công nghệ thông tin qua ứng dụng thực tế tăng cường trong chương trình giáo dục mầm non”. Riêng chương trình: Xây dựng các hoạt động giáo dục STEM gắn với phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông, được ghi nhận đạt hiệu quả cao.

Do điều kiện kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số Suối Giàng còn nhiều khó khăn, việc huy động kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn hạn chế. Với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để các em được tiếp cận với các mô hình giáo dục tiên tiến, với công nghệ 4.0; đầu năm học 2021-2022, với số tiền cá nhân bỏ ra và huy động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, bạn bè, cô giáo Quyên đã mua một bộ Robot Mtiny (giá trị hơn 6 triệu đồng) dành cho giáo dục mầm non, giúp học sinh mầm non Suối Giàng tiếp cận với Robot, làm quen với lập trình ở bước cơ bản.

Được sự hỗ trợ từ đội ngũ liên minh STEM, cô Quyên tham mưu các cấp lãnh đạo xây dựng kế hoạch thúc đẩy STEM 4.0 tại địa bàn huyện, qua đó huyện Văn Chấn đã nhận được 16 bộ Robot (giá khoảng 2,4 triệu đồng/bộ) từ đội ngũ liên minh STEM cho 8 đơn vị trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện và 16 bộ Robot cho địa bàn huyện vùng khó khăn Mù Cang Chải; 16 bộ Robot cho 8 đơn vị trường thuộc huyện Than Uyên (Lai Châu)… đồng thời tham gia hỗ trợ các đơn vị tập huấn lập trình Robot, tổ chức ngày hội STEM.

Với mong muốn xây dựng các hoạt động STEM vượt ra khỏi biên giới lớp học, không có rào cản giữa thành thị và nông thôn, giữa cấp học này với cấp học khác, cô Quyên và cô giáo Nguyễn Thị Quyến, Trường tiểu học Nam Thành Công quận Đống Đa (Hà Nội) xây dựng kế hoạch và triển khai dự án “STEM không biên giới”. Dự án đã bắt đầu đi vào hoạt động với những giờ học kết nối lớp học để khởi động cho các hoạt động STEM của hai lớp cách xa nhau cả trăm ki-lô-mét.

Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Suối Giàng, Lò Thị Thiệp đánh giá, cô giáo Đỗ Thùy Quyên là giáo viên điển hình của nhà trường, có tố chất sáng tạo, ham học hỏi, nhất là các phong tục tập quán và ngôn ngữ dân tộc H’Mông. Cô Quyên những năm qua đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có sáng kiến được công nhận và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/doi-moi-sang-tao-trong-day-hoc-o-suoi-giang-post735946.html

  • Từ khóa