Ngành cà-phê nâng cao năng lực cạnh tranh

Thứ 5, 26.01.2023 | 09:01:43
590 lượt xem

Những năm qua, ngành cà-phê Việt Nam có bước tiến nhanh khi diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng; công nghệ chế biến hiện đại được các doanh nghiệp quan tâm đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành cà-phê nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường và yêu cầu mới từ các thị trường nhập khẩu.

Tại hội nghị quốc tế ngành cà-phê năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Văn Đức cho biết: “Hiện nay, cả nước có diện tích trồng cà-phê khoảng 710 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha. Trong đó, vùng miền núi phía bắc trồng 20,5 nghìn ha, Bắc Trung Bộ 4,1 nghìn ha, Đông Nam Bộ 25,9 nghìn ha, Tây Nguyên hơn 657 nghìn ha...”.

Đến hết 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn cà-phê, đạt 3,55 tỷ USD. Thời gian qua, nhiều tiến bộ trong sản xuất cà-phê được áp dụng như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tái canh, ghép cải tạo… giúp tăng năng suất, chất lượng cà-phê thời gian qua.

Riêng vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2014-2020, thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà-phê được 125 nghìn ha. Qua tái canh, ghép cải tạo giúp năng suất tăng từ 24,6 tạ/ha, sản lượng 1,310 triệu tấn cà-phê nhân năm 2014 lên năng suất 28 tạ/ha và sản lượng đạt 1,582 triệu tấn năm 2020. Diện tích cà-phê tái canh được trồng bằng giống tốt, phần lớn diện tích cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 25 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay sản xuất cà-phê ở vùng Tây Nguyên có nhiều thuận lợi do các tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp; các địa phương có định hướng phát triển cà-phê từ rất sớm. Mặt khác, ngành cà-phê nước ta hội nhập quốc tế sớm và sâu rộng; bộ giống cà-phê có chất lượng; ngành cà-phê có sự quan tâm của Nhà nước, bộ, ngành, địa phương và nhân dân.

Để đưa cà-phê Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển như: Đề án phát triển cà-phê bền vững; đề án tái canh cà-phê; đề án sản phẩm quốc gia “Cà-phê Việt Nam chất lượng cao”...

Mặc dù vậy, phát triển ngành hàng cà-phê Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, trong đó nổi bật là biến động của thị trường, những yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; diện tích cà-phê già cỗi tiếp tục tăng nhanh; sản xuất nông hộ là chủ đạo, vai trò của các hợp tác xã còn hạn chế; tổ chức liên kết sản xuất còn nhiều bất cập; vốn đầu tư cho phát triển cà-phê còn hạn chế.

Nhận định niên vụ cà-phê năm 2022-2023, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Ca-cao Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng: “Sản lượng dự kiến giảm từ 10 đến 15% so với vụ trước do diện tích trồng cà-phê có xu hướng giảm vì người dân chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Chi phí nhân công thu hái ngày càng tăng do thiếu lao động tại địa phương, phải thuê lao động từ các vùng khác đến; chi phí phân bón vẫn đang ở mức cao; chi phí vận hành nhà máy chế biến, sản xuất thành phẩm tiếp tục tăng. Trong khi đó, lượng tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ tăng ở mức 5 đến 10% trong các năm tới; lượng xuất khẩu niên vụ 2022-2023 dự kiến sẽ giảm mạnh do lượng hàng tồn kho vụ từ niên vụ trước không đáng kể. Với sự cạnh tranh từ các nước trồng cà-phê lớn, nhất là Brasil thì cà-phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình bằng cách đầu tư chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững để tạo ra sự khác biệt”.

Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cà-phê Việt Nam, tạo sản phẩm quốc gia có thương hiệu và giá trị cao trên thị trường thế giới; lấy yêu cầu thị trường làm định hướng phát triển; áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn; bảo vệ môi trường; huy động người dân, doanh nghiệp tham gia tái canh cà-phê…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp cần rà soát lại quy mô, diện tích cà-phê; nâng cao công nghệ chế biến, hướng đến chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng; kêu gọi đầu tư vào công nghệ chế biến, hạ tầng; chọn tạo giống cà-phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất cà-phê theo hướng hàng hóa…

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức, các địa phương cần thực hiện tái canh, ghép cải tạo bằng giống chất lượng cao, ưu tiên giống phù hợp cho chế biến sâu; hình thành các tiểu vùng sinh thái sản xuất cà-phê đặc sản có liên kết với doanh nghiệp chế biến sâu.

Cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ, dự báo thị trường cà-phê; đẩy mạnh khuyến nông về sản xuất cà-phê chất lượng cao; thực hiện tốt khuyến công về sơ chế, bảo quản cà-phê chất lượng cao, đặc sản; khuyến khích sản xuất cà-phê có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng số hóa trong sản xuất cà-phê; áp dụng cơ giới hóa khâu thu thoạch; từng bước xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trong sản xuất, chế biến tiêu thụ cà-phê; xây dựng mã số vùng trồng; quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cà-phê; khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng nguyên liệu lớn có liên kết sản xuất; xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường cà-phê chế biến sâu; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và văn hóa cà-phê Việt.

Cần củng cố thị trường truyền thống về xuất khẩu cà-phê như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc…; phát triển thị trường tiềm năng ASEAN và Trung Quốc; xúc tiến đàm phán xây dựng hệ thống bán lẻ cho cà-phê chế biến sâu của Việt Nam trên thế giới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nganh-ca-phe-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-post736100.html

  • Từ khóa