Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân

Thứ 7, 28.01.2023 | 15:18:04
731 lượt xem

Khi lái xe đường dài, tài xế tuyệt đối không chủ quan và thiếu quan sát, chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như có các phương án để tránh buồn ngủ.

Sau một năm học tập và làm việc vất vả, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán trở thành dịp lý tưởng để thực hiện những chuyến du xuân cùng bạn bè hay người thân. Tuy nhiên khi thực hiện những hành trình dài ngày, tài xế cần nắm vững một số lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho bản thân cùng người đồng hành.

Kinh nghiệm lái xe đường dài

Kiểm tra toàn bộ xe

Trước khi lên đường, hãy kiểm tra xe thật kỹ để đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru, mượt mà. Những bộ phận nên chú ý gồm: ắc-quy, đèn chiếu sáng, bugi, hệ thống lọc gió, lốp xe, phanh, nước làm mát động cơ, nước rửa kính…

Tìm hiểu trước tuyến đường, thiết lập các điểm dừng nghỉ hợp lý

Hãy nghiên cứu thật kỹ lộ trình để chọn ra tuyến đường hợp lý nhất để tránh mất thời gian. Cùng với đó, chọn điểm dừng nghỉ hợp lý để đảm bảo sức khỏe ở mức tối ưu khi lái xe đường dài.

Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân - 1

Nếu không rành đường, hãy sử dụng bản đồ điện tử để tìm kiếm lộ trình hợp lý (Ảnh: Lâm-chan).

Chạy đúng tốc độ, không lấn làn vượt ẩu

Tài xế cần nắm vững các kiến thức quan trọng về luật giao thông cũng như có ý thức chấp hành nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người đồng hành.

Khi vượt, cần quan sát kỹ gương chiếu hậu để xem các xe đi sau có ý định vượt hay không. Nếu đủ an toàn, bật xi-nhan, nhấn còi/nháy pha để cảnh báo các phương tiện khác.

Không vượt xe ở những khúc cua mất tầm nhìn và phải nhanh chóng nhập làn sau khi vượt, tất nhiên là đảm bảo khoảng cách an toàn với xe phía sau.

Nhường đường cho xe xin vượt

Khi lái xe đường dài, nếu phát hiện có xe phía sau xin vượt và trong điều kiện đảm bảo khoảng cách an toàn thì tài xế nên nhường đường bằng cách giảm tốc độ, bật xi-nhan phải để báo hiệu.

Trong trường hợp phát hiện phía trước có xe ngược chiều đang đi đến hoặc không đủ an toàn để nhường đường, hãy bật xi-nhan trái để cảnh báo phương tiện đi phía sau.

Tránh xe ngược chiều đang vượt

Khi phát hiện có xe ngược chiều đang lấn làn để vượt, hãy chủ động nhường đường. Tài xế nên giảm tốc độ, quan sát gương bên phải để xem có phương tiện khác đang đi lên hay không.

Nếu không có, giảm tốc độ, bật xi-nhan phải và di chuyển vào lề phải. Trong trường hợp có, giảm tốc độ chờ xe phía sau đi lên rồi mới đánh xe vào lề phải.

Không phanh gấp và chuyển làn đột ngột

Khi di chuyển trên các tuyến đường lớn đặc biệt là cao tốc, tài xế tuyệt đối không phanh gấp hay chuyển làn đột ngột. Hãy quan sát thật kỹ bên phải, nếu không có phương tiện khác thì chuyển dần vào làn trong và giảm tốc độ từ từ đến khi dừng hẳn.

Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân - 2

Chuyển làn đột ngột có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm (Ảnh: Weibo).

Lưu ý, chỉ nên dừng ở làn khẩn cấp hoặc đoạn đường không bị khuất tầm nhìn.

Không lạm dụng vạch phân làn

Khi di chuyển trên tuyến đường xa lạ đặc biệt là đèo núi, tài xế có thể sử dụng vạch phân làn để "đọc" cung đường. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen chạy sát vạch và chỉ quan sát bên phải, có thể gây nguy hiểm khi có người hoặc xe đột ngột đi ngang qua đường.

Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân - 3

Vạch phân làn có thể giúp tài xế định hướng nhưng không nên lạm dụng, phải quan sát đầy đủ (Ảnh: ST).

Vậy nên, hãy quan sát tổng thể chứ không nên tập trung vào điểm bên phải, nhất là vào ban đêm. Nguyên nhân là bởi khi khó quan sát, các lái xe thường sẽ đi sát vạch phân làn để dễ nhìn hơn.

Một số lưu ý giúp tài xế tránh buồn ngủ

Không sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích

Đây là nguyên tắc số một khi điều khiển ô tô. Việc sử dụng bia, rượu dễ dàng khiến lái xe cảm thấy buồn ngủ khi cầm lái lâu.

Thường xuyên điều chỉnh tư thế ngồi

Khi ngồi im ở một vị trí quá lâu, cơ thể người sẽ dần thả lỏng và thư giãn dễ dẫn tới buồn ngủ. Vậy nên, hãy thay đổi tư thế ngồi thường xuyên, hoạt động nhẹ cơ thể khi chưa đến điểm dừng nghỉ.

Hạ cửa kính

Nếu đóng kín cửa trong một thời gian dài, người lái có thể cảm thấy "bí" do thiếu oxy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng buồn ngủ.

Do đó, tài xế có thể hạ cửa kính một khoảng để không khí bên ngoài có thể lọt vào trong khoang cabin, hoặc điều chỉnh điều hòa lấy gió ngoài.

Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân - 4

Để không khí bên ngoài tràn vào khoang nội thất có thể giúp tài xế bớt buồn ngủ (Ảnh: ST).

Nghe nhạc

Khi cầm lái trong một khoảng thời gian dài, tài xế có thể cảm thấy nhàm chán từ đó dẫn tới buồn ngủ. Vậy nên, người điều khiển ô tô có thể nghe nhạc để kích thích não bộ.

Đó có thể là một bản nhạc sôi động nhằm tạo cảm giác hưng phấn, hoặc đơn giản chỉ là những bài hát ưa thích để có thể ngân nga theo. Tuy nhiên, lái xe cần lưu ý âm lượng, không bật quá to để vẫn có thể chú ý được môi trường xung quanh.

Nhai kẹo cao su

Đây là giải pháp thường được sử dụng nhất để tránh buồn ngủ. Các loại kẹo cao su được bán trên thị trường thường có vị bạc hà, dễ giúp người nhai cảm thấy tỉnh táo hơn.

Bên cạnh đó, việc hoạt động cơ hàm đều đặn cũng góp phần giúp lái xe trở nên tỉnh táo hơn.

Uống cà phê

Caffeine có thể giúp người uống cảm thấy tỉnh táo hơn. Do đó khi buồn ngủ, tài xế có thể dừng mua cà phê để sử dụng.

Kinh nghiệm lái xe đường dài, mẹo tránh buồn ngủ cho những chuyến du xuân - 5

Cà phê có thể giúp người uống cảm thấy tỉnh táo hơn (Ảnh: Lâm-chan).

Tuy nhiên tuyệt đối không lạm dụng để tránh "say cà phê", ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dừng xe khi cảm thấy mệt mỏi

Trong trường hợp thực hiện tất cả các giải pháp trên mà vẫn cảm thấy buồn ngủ, tài xế tuyệt đối không nên cố cầm lái mà hãy tìm chỗ dừng lại. Hít thở không khí sẽ giúp điều tiết lượng oxy trong não, giảm cơn buồn ngủ.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/kinh-nghiem-lai-xe-duong-dai-meo-tranh-buon-ngu-cho-nhung-chuyen-du-xuan-20230127111654269.htm

  • Từ khóa