Miền đất thức

Thứ 2, 30.01.2023 | 08:49:41
915 lượt xem

Na vừa qua vụ. Cam, bưởi đang mùa. Những thửa đất vừa qua mùa lúa, còn ấm chân rạ, đã hối hả cày lên, xới lên, đánh luống, trồng thuốc lá. Rồi chẳng mấy chốc, thửa nối thửa xanh ngút chân trời… Những con đường nội thôn, liên thôn mở ra ngang dọc, nối liền làng trên xóm dưới, đi khắp bờ bãi, ruộng nương. Hệ thống mương máng thủy lợi nội đồng đang được tiếp tục quy hoạch để thiết kế và xây lắp nhằm tạo ra những giá trị tối ưu nhất cho người nông dân… Những người nông dân Y Tịch mà tôi gặp, họ có vẻ

Y Tịch là một xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Tây Nam của huyện Chi Lăng, cách trung tâm thị trấn hơn hai mươi cây số. Đến Y Tịch vào những ngày này, sẽ thấy  mênh mông đồng bãi chuẩn bị cho một mùa thuốc lá mới. Những ngôi nhà dân đường như cũng lùi về sát chân núi, nép bên những lùm cây để nhường đất cánh đồng cho thuốc lá sinh sôi. Ruộng nương bờ thấp bờ cao được làm đất đến đầu đến đũa. Những bờ kè, những chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo thì được tận dụng trồng cỏ voi để nuôi gia súc. Nhìn vào ruộng vườn, bờ bãi của Y Tịch là biết người dân ở đây cần cù, chịu khó cỡ nào.

Người dân xã Y Tịch, huyện Chi Lăng chăm sóc cây na.  Ảnh: GIA KHÁNH

Ngược thời gian, trở về những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi, là thời điểm cây thuốc lá bắt đầu xuất hiện ở Y Tịch. Người đầu tiên đưa cây thuốc lá về trồng ở Y Tịch là một thầy giáo, ông là Nguyễn Văn Nhâm, giáo viên cấp hai. Thầy Nhâm là cha của gia đình có bảy người con. Người thứ hai trồng cây thuốc lá ở Y Tịch cũng là một thầy giáo, ông là Nguyễn Tiến Cảnh, giáo viên Tiểu học. Thầy Cảnh có tới mười người con, ba trai, bảy gái. Những năm tháng ấy, Y Tịch đất rộng người thưa, trên rừng còn nhiều cây gỗ to hai người ôm không xuể. Dòng suối Khuổi Hát chảy dọc chân núi Nặm Tà, Thạch Lương gặp dòng Khuổi Ảu chảy từ Vạn Linh về rồi đổ ra Chi Lăng. Hai dòng suối ấy ôm lấy Y Tịch, nuôi sống người Y Tịch bằng lúa, bằng ngô xanh bờ bãi. Nhưng trồng lúa trồng ngô để nuôi hơn mười miệng ăn không dễ. Nằm vắt tay lên trán nhẩm tính, thì trồng thuốc lá một vụ, có lợi hơn cấy lúa nhiều. Thầy Cảnh đánh liều đến gặp thầy Nhâm, bày tỏ nguyện vọng muốn trồng cây thuốc lá. Thầy Nhâm liền vui vẻ chia sẻ hạt giống, kinh nghiệm gieo trồng, rồi động viên, khuyến khích thầy Cảnh. Thế là mạnh dạn gieo hạt, đánh luống… những cây thuốc là đầu tiên bén rễ rồi xanh lên trên những thửa đất nhà thầy Cảnh. Vụ thu hoạch đầu tiên, cũng chính thầy Nhâm lại “chuyển giao công nghệ” sấy thuốc, bắt đầu bằng việc dựng lên một lò sấy cốt tre, vách đất. Mẻ thuốc lá đầu tiên đưa vào lò sấy khiến cho cả nhà hồi hộp. Rồi thuốc lá ra lò, ông Cảnh cũng “học theo” ông Nhâm, tìm nhờ người thái rồi mang thành phẩm là thuộc lá sợi ra chợ Đồng Mỏ bán. Thời kỳ ấy, khách hàng của thuốc lá còn manh mún, nhỏ lẻ, không phải như bây giờ, một trăm phần trăm sản lượng thuốc là đều vào nhà máy. Người thì mua dăm ba lạng về tự cuốn thuốc hút, người thì mua chừng năm, bảy cân về cuộn thuốc điếu bán. Nhưng may mắn là thuốc lá Y Tịch được ưa chuộng, chẳng khi nào bị ế. Một năm cấy một mùa lúa tạm đủ ăn còn thì tất tật mọi chi phí khác đều trông chờ vào tiền bán thuốc lá: nào tiền mỡ tiền muối, nào tiền dầu hỏa, tiền phân bón, tiền quần áo, sách bút cho các con… Có thời kỳ thuốc lá được giá, một cân thuốc lá sấy khô đổi được mấy cân thịt lợn. Ngẫm lại quãng thời gian nuôi mười đứa trẻ đang tuổi lớn như nong tằm ăn rỗi ấy, thầy Cảnh lại thấy biết ơn người đồng nghiệp, người bạn vong niên, biết ơn cây thuốc lá. Rồi mô hình trồng thuốc lá của hai ông thầy dần dần được nhân lên trong thôn, trong xã. Cho tới những năm 2000, cây thuốc lá đã phủ khắp diện tích đất nông nghiệp trong toàn xã, trừ những vùng thiếu nước tưới.

Tại nhà của anh Nguyễn Văn Cương, trưởng thôn Giáp Thượng, tôi thấy hai người phụ nữ ngồi bên chiếc bàn kê gần cửa sổ, cắm cúi vào một mớ giấy tờ, sổ sách, bảng biểu. Tôi hỏi “Vợ của đồng chí trưởng thôn là giáo viên à?”. “Đúng rồi chị – Trưởng thôn cười trả lời – Nhưng không phải một trong hai chị này đâu ạ”. Thì ra hai người phụ nữ ấy là nhân viên của công ty cổ phần thuốc lá Ngân Sơn, đối tác thu mua sản phẩm thuốc lá của bà con. Ngân Sơn hiện là một trong hai đơn vị chủ chốt đầu tư giống, vốn, chuyển giao việc áp dụng khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thuốc lá cho người dân Y Tịch. Cùng với chính quyền địa phương, họ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, giúp người nông dân cải tiến phương pháp canh tác, nhằm nâng cao năng suất cây thuốc lá. Ngay tại buổi làm việc đầu tiên với các đơn vị đối tác thu mua sản phẩm thuốc lá trên cương vị Chủ tịch xã, ông Vương Văn Sơn chất vấn: “Các anh đánh giá như thế nào về sản lượng thuốc lá trên cùng một diện tích của Y Tịch so sánh với địa bàn trồng thuốc lá ở các nơi khác?”. Trả lời: “Sản lượng của Y Tịch thấp hơn.”. Hỏi: “Vì sao thấp hơn?” Trả lời: “Vì người dân Y Tịch không áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến…”. Lại hỏi: “Vì sao người dân không chịu áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến chứ? Vấn đề là các anh đã bỏ công sức ra để tập huấn cho bà con chưa?”… Đối thoại thẳng thắn như thế. Những khó khăn dần được tháo gỡ như thế. Khi chủ tịch xã Vương Văn Sơn đưa chúng tôi ra mục sở thị cánh đồng thuốc lá, chúng tôi gặp thêm những nhân viên khác của công ty Ngân Sơn, họ cũng đang đổ mồ hôi trên cánh đồng Y Tịch. Khi lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người nông dân cùng một đích đến, họ đã cùng san sẻ những khó khăn. Anh Đặng Đình Châu, Phó phòng Quản lý nguyên liệu của công ty cổ phần thuốc lá Ngân Sơn nói với tôi: “Sản phẩm thuốc lá của Y Tịch rất đặc biệt chị ạ. Chúng tôi chủ yếu dùng sản phẩm của Y Tịch trộn lẫn với sản phẩm của các vùng trồng khác để tạo sự đồng đều cho chất lượng…”. “Đó! Nếu thế thì các anh càng phải quan tâm đến vấn đề nâng cao sản lượng chứ?”. “Vâng chị. Chúng tôi đang tích cực khuyến khích bà con áp dụng phương pháp vào bầu để nâng cao sản lượng…”.

“Người dân Y Tịch làm nông cả ngày lẫn đêm, chị ạ. Mới đầu em cũng hơi hoảng, nghĩ nếu cần tổ chức những cuộc họp, không biết bà con có sắp xếp thời gian tham gia được không?…” – Chủ tịch Vương Văn Sơn vừa nói vừa cười. Tôi quay sang trưởng thôn Nguyễn Văn Cương “Làm nông cả ngày lẫn đêm là sao?”. Cậu trưởng thôn cười xòa: “Chúng em tranh thủ thụ phấn cho na vào buổi tối, chị ạ. Lúc đó nhiệt độ phù hợp nhất để đậu quả và cho ra những quả na chất lượng tốt nhất”. “Nhà em có bao nhiêu cây na?”. “Khoảng một nghìn.”. “Vậy một buổi tối thụ phấn xong cho bao nhiêu cây na?”. “Dạ… Không phải một buổi tối thì xong bao nhiêu cây đâu chị. Mỗi cây chỉ chọn trên dưới mười bông nở đẹp nhất để thụ phấn, rồi sang cây khác. Hết một lượt thì vòng lại. Tất cả cũng chừng ba, bốn lượt. Như thế sẽ đảm bảo cho ra những quả na chất lượng nhất, thêm nữa sẽ chủ động về thời gian thu hoạch, tránh để na chín rộ cùng một lúc…”. “Một nghìn cây na, mà mỗi cây em đi tới đi lui tới ba, bốn lượt?”. “Đúng rồi chị…”. Thì ra, để cho có được những trái na thơm ngọt, người nông dân phải bỏ nhiều công sức đến vậy. Hiện toàn xã Y Tịch, có khoảng trên 400ha diện tích đất trồng na, trong đó có trên 110 ha đạt tiêu chuẩn Vietgap, hơn 18 ha na được cấp mã số vùng.

Y Tịch được đánh giá cao về đường giao thông. Nhà nước và nhân dân cùng làm, đường nội thôn, liên thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của bà con. Từ trung tâm huyện Chi Lăng vào đến trung tâm xã, bằng con đường hiện tại là hơn hai mươi cây số. Nếu mở một con đường qua núi Cai Kinh, thì ra đến trung tâm huyện chỉ khoảng tám cây số. Nhưng mở đường qua núi không dễ, bởi vậy con đường này vẫn mãi là mơ ước của bà con. Năm 2020, huyện thành lập Đoàn khảo sát và thống nhất chủ trương: mở đường. Đề bài đưa ra là thế, giải quyết thế nào mới là cả một vấn đề. Mất một tuần tìm gặp, bàn bạc với những nhân vật chủ chốt, lên phương án đối thoại với nhân dân, chủ tịch Sơn quyết định cho họp dân. Các hộ dân được triệu tập đến dự họp đông đủ. Chủ tịch xã đăng đàn thuyết trình gần hai tiếng đồng hồ, chỉ sợ mình nói không hết tình, hết nhẽ. Kết quả là 100% hộ dân nhất trí chủ trương làm đường, 100% hộ dân là chủ đất nơi con đường dự kiến sẽ đi qua tự nguyện hiến đất vô điều kiện, có hộ dân hiến tới hơn 4.500m2 . Một kết quả ngoài mong đợi! Cho đến những ngày này, mặc dù còn nhiều việc phải làm, còn nhiều công sức, tiền của phải bỏ ra nhưng hình hài một con đường đã hoàn thành, vạch một nét son lên bản đồ Y Tịch.

Trong chuyến công tác ngắn ngủi về Y Tịch, chúng tôi tiếc là chưa được đến thăm nhà tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ. Mảnh đất Y Tịch hiền hòa này hình như chưa hề có dấu vết của chiến tranh nhưng đã có những người con Y Tịch dũng cảm hy sinh, sẻ chia máu xương của mình cho những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

…Thầy Cảnh thức dậy từ ba giờ sáng đốt bó đuốc đã chuẩn bị từ chiều hôm trước. Đợi cho lửa cháy sáng, thầy đưa bó đuốc cho vợ cầm còn mình thì ghé vai vào gánh thuốc lá. Hai vợ chồng bước thật hối hả, ra đến gần Đèo Rộ thì trời cũng vừa tang tảng sáng và trên đường cũng đã có bóng người cùng đi chợ. Thầy Cảnh vội vàng trao gánh thuốc lá sang vai người vợ rồi tất tả quay về cho kịp giờ lên lớp. Câu chuyện đi chợ phiên bán thuốc lá của vợ chồng thầy Cảnh và những người cùng thời thuở xa xưa ấy sẽ mãi chỉ còn trong ký ức. Ở Y Tịch bây giờ, thuốc lá được bao tiêu toàn bộ, một trăm phần trăm sản lượng thuốc lá đều vào nhà máy.

Trưa tròn bóng nắng, giữa sân nhà văn hóa thôn Giáp Thượng ngổn ngang đống gạch, chỉ vào cái ao nước của một nhà dân gần đó, trưởng thôn Nguyễn Văn Cương bảo: “Em phải cho xây tường cao ngăn cách ao nước kia ngay chị ạ. Các bà đến nhà văn hóa tập văn nghệ thường mang theo các cháu nhỏ. Các chị em trong đội bóng đá nữ đến sân tập cũng bế theo con nhỏ, hết hiệp đấu còn tranh thủ cho con bú… Trẻ nhỏ thì hiếu động, nên mình cẩn thận vẫn hơn…”. “Này, chị hỏi thật nhé, vợ em làm giáo viên chẳng giúp được gì, con em thì còn nhỏ. Sao một mình em có thể chăm cả nghìn cây na, rồi còn thuốc lá, còn lúa, còn đàn trâu… Rồi còn nhiệm vụ trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Giáp Thượng?…”. Trước câu hỏi của tôi người nông dân, người đảng viên ấy chỉ cười, nụ cười ấm áp hiền hòa mà tự tin như Y Tịch đang thức dậy những tiềm năng phơi phới niềm vui.


VI THỊ THU ĐẠM

https://baolangson.vn/van-hoa/557639-mien-dat-thuc.html

  • Từ khóa