"Phòng dịch COVID-19 trên máy bay phải như ở bệnh viện"

Thứ 3, 08.12.2020 | 15:23:49
371 lượt xem

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhất trí siết chặt tất cả quy định phòng dịch trên các chuyến bay sau khi có ca lây nhiễm cộng đồng ở TP HCM.

Nguy cơ bệnh xâm nhập

Tại cuộc họp chiều 7/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến nay, trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng tại TP HCM cơ bản đã được kiểm soát. Về cơ bản, sau 48 tiếng đồng hồ, hệ thống đã nắm được thông tin và chủ động ứng phó. Đây là bước tiến lớn trong khả năng của Việt Nam khi tiến hành dập dịch. Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu phải xem lại để tìm nguyên nhân và có giải pháp thiết thực, hiệu quả để tránh những tình trạng tương tự.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 7/12.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 7/12.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn rất “căng”, với trên nửa triệu ca mắc mới mỗi ngày, đặc biệt, con số tử vong hằng ngày trong liên tiếp nhiều ngày qua đều vượt qua mốc 10.000 người. Vấn đề vaccine có tín hiệu rất tích cực, nhưng dự báo sớm nhất đến cuối sang năm Việt Nam mới tiếp cận được vaccine, kể cả mua từ nước ngoài. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, thực tế diễn biến dịch cho thấy chỉ cần 2 tuần là tình hình đã có thể mất kiểm soát. “Chúng ta đã xác định, nguồn lây cơ bản nhất là từ người xuất nhập cảnh (cả hợp pháp và bất hợp pháp). Điều quan trọng đã được xác định từ đầu là thực hiện mục tiêu kép, đồng thời vẫn phải đón các chuyên gia kỹ thuật cao và đón công dân đang gặp khó khăn ở các vùng dịch về nước. Theo đó, nguồn lây bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp cũng rất nguy hiểm, với thực tế vừa diễn ra tại TP HCM”, Phó Thủ tướng nói.

Qua vụ việc ở TP HCM, Ban Chỉ đạo nhất trí siết chặt tất cả các quy định trên các chuyến bay về. “Trên các chuyến bay giải cứu, trên khoang không thể biết rõ có người mắc hay không? Do vậy thực hiện phòng dịch trên máy bay phải nghiêm ngặt như trong bệnh viện đang có người mắc COVID-19”- các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí. 

Sự việc ở TP HCM có thể xảy ra ở nơi khác nếu lơ là 

Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh phải có kế hoạch đôn đốc và kiểm tra trên địa bàn. Ngay chính trong Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương phải trực tiếp đi kiểm tra và đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các quy định phòng dịch hiện nay, đặc biệt tại trường học, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú có liên quan đến du lịch và các cơ sở sản xuất…

Theo các chuyên gia và ý kiến một số thành viên Ban chỉ đạo, một số nơi đang có biểu hiện lơi lỏng các quy định này và đây chính là nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng mà chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn. Nơi nào để xảy ra vi phạm, thì chính quyền cơ sở, lực lượng y tế, công an phải chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, các cơ sở cách ly phải được kiểm tra để đảm bảo công tác phòng dịch không bị lơ là. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời điểm kiểm tra hồi tháng 4-5, khu cách ly Hồng Hà của Vietnam Airlines và một khách sạn cách ly với các tiếp viên nước ngoài đều tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt. “Tất cả đều được vận hành từ xa. Tiếp viên đi thang máy riêng và ở phòng riêng không ra ngoài. Qua kiểm tra, khả năng đảm bảo an toàn cho khu cách ly đều rất tốt và có thể quá trình sau này có sự lơi lỏng về quản lý, dẫn đến việc các tiếp viên có thể di chuyển sang các phòng khác”, ông Sơn cho biết.

Ban Chỉ đạo khẳng định, ngoài các cơ sở cách ly của quân đội, các văn bản đã nêu rõ, các cơ sở cách ly đều phải được chính quyền địa phương đồng ý trên cơ sở đề xuất của y tế địa phương. Và khu cách ly này phải được kiểm tra, đảm bảo đầy đủ điều kiện thì mới cho tổ chức tiếp nhận người cách ly. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình thực hiện cách ly phải thường xuyên kiểm tra có đảm bảo và thực hiện đúng các quy định hay không?

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp chiều 7/12.

“Sau 14 ngày cách ly tập trung, vẫn còn 14 ngày theo dõi sức khỏe và quản lý y tế tại địa bàn. Đã có quy định rõ rằng, trong số 28 ngày và đặc biệt là 14 ngày sau, chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế phải nắm sát được trên địa bàn mình có bao nhiêu người đang thuộc diện này. Và ít nhất 1 lần/ngày phải được thăm hỏi để nắm tình hình”, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định.

Ban chỉ đạo yêu cầu phát huy sự chủ động của chính quyền địa phương dưới sự tham mưu của ngành y tế các cấp và phối hợp chặt chẽ với ngành Công an. Nơi nào thực hiện không nghiêm phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm./.


Thiên Bình/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/phong-dich-covid-19-tren-may-bay-phai-nhu-o-benh-vien-822608.vov

  • Từ khóa