Xét tuyển đại học: Kiến nghị thành lập trung tâm khảo thí độc lập, bỏ thay đổi nguyện vọng

Chủ nhật, 13.12.2020 | 10:05:44
463 lượt xem

Nhiều trường đại học đang kiến nghị Bộ GD-ĐT bỏ quy định thí sinh được thay đổi nguyện vọng để tránh xáo trộn, tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức kỳ thi, các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giáo dục đại học được tổ chức hôm nay (12/12).

Toàn cảnh hội nghị.

Trao đổi tại hội nghị, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương ủng hộ việc giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học như năm 2020. Theo đó, các trường đại học tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào công tác xét tuyển kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy cũng mong muốn Bộ GD-ĐT phát huy vai trò chỉ đạo chung, đặc biệt là đăng ký xét tuyển qua hệ thống quốc gia, tiếp tục tổ chức lọc ảo chung.

Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương kiến nghị trong tương lai, cần có phương án thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá, các trường có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

“Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trường và cả thí sinh. Việc thành lập Trung tâm khảo thí độc lập trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý để các Trung tâm vận hành, có sự chuẩn bị của các trường đại học, học sinh. Có thể từ 3-5 năm tới sẽ đưa các Trung tâm này vào thực tiễn”, bà Thủy nói.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đánh giá cao những cố gắng của Bộ GD-ĐT khi tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học năm 2020.

PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, trong những năm tới, ĐH Kinh tế quốc dân ủng hộ việc giữ ổn định phương thức xét tuyển đại học như hiện nay. Song bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần giữ vai trò chủ đạo, giám sát kỳ thi THPT để đảm bảo sự nghiêm túc.

Đại diện ĐH Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị nếu được có thể nâng độ phân loại, phân hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng cường ứng dụng CNTT, tiến tới thi trên máy tính, xây dựng các Trung tâm khảo thí có uy tín, năng lực để các trường có thể sử dụng kết quả này trong xét tuyển, nâng cao tính tự chủ hơn nữa.

Còn theo GS Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), Bộ GD-ĐT nên mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, có chính sách đặc thù với một số học sinh có thành tích xuất sắc để tạo nguồn bổ sung cho các khối khoa học cơ bản.

GS Đức cũng cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội đã lên phương án tổ chức xây dựng các bài thi đánh giá năng lực nhằm phục vụ cho tuyển sinh đại học những năm tới.

Cùng nói về công tác xét tuyển đại học, đại diện ĐH Đà Nẵng cho rằng Bộ GD-ĐT nên giữ nguyên phương thức xét tuyển đại học như năm 2020 đến năm 2025, từ sau năm 2025, nên thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập. 

Đáng chú ý, đại diện ĐH Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem xét bỏ việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh, vì điều này dẫn đến lộn xộn trong quá trình xét tuyển.

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Cần Thơ lại cho biết, hiện học phí đang chiếm 75% ngân sách của trường, do đó, trường phải tìm mọi cách để phát triển, thực hiện tự chủ. PGS.TS Huỳnh Thanh Phương kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định cụ thể về học phí, có cơ chế đặc thù cho các cơ sở đào tạo khai thác cơ sở vật chất nhằm tạo nguồn thu, ủy quyền cho các trường phê duyệt các dự án đầu tư, các dự án hợp tác quốc tế (có quy định giới hạn mức tiền).

Lắng nghe ý kiến của các trường đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển.

"Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/xet-tuyen-dai-hoc-kien-nghi-thanh-lap-trung-tam-khao-thi-doc-lap-bo-thay-doi-nguyen-vong-823763.vov

  • Từ khóa