Thực hiện Quyết định 861: Tạo đồng thuận đưa chính sách vào cuộc sống

Thứ 2, 16.08.2021 | 14:05:48
1,382 lượt xem

Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành đã có những tác động đến đời sống của người dân. Qua thực tế và nắm bắt dư luận cho thấy, hầu hết bà con đã nhận thức

   Người dân chủ động tiếp nhận, thực hiện chính sách mới

Trong cái nắng gắt cuối tháng 7/2021, chúng tôi đã có dịp đi “khảo sát thực tế” tại một số xã trên địa bàn tỉnh được phân định vùng theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 433 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

 Chúng tôi đã đến với xã Yên Phúc, huyện Văn Quan – đây là xã có 2 thôn đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng, trong đó liên quan nhiều đến chính sách giáo dục và BHYT cho người dân. Tại đây, chúng tôi thấy ấn tượng bởi nhận thức của bà con về chính sách đã được nâng cao và tâm lý tiếp nhận cũng như thực hiện các thay đổi này một cách thoải mái, chủ động.

Bà Hứa Thị Kín, thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Qua tuyên truyền của lãnh đạo huyện, xã và trưởng thôn, người dân chúng tôi đã nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi đạt nông thôn mới, xã sẽ ra khỏi danh sách vùng III và thôn chúng tôi cũng không còn là thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ các chính sách về giáo dục và BHYT. Vì vậy, ngay khi nắm thông tin, tôi đã chủ động bàn với các con tự nguyện mua nối tiếp ngay BHYT hộ gia đình cho 3 thành viên trong nhà để đảm bảo quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh. Mua theo hộ gia đình cũng được Nhà nước hỗ trợ giảm mức đóng cho người thứ hai, thứ ba trở đi nên cũng giảm bớt khó khăn cho người dân chúng tôi.

Người dân thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan chủ động, tự nguyện mua BHYT hộ gia đình khi thôn không còn là thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: để có được kết quả này, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân. Hình thức được thực hiện thông qua việc thành lập các tổ định hướng, tuyên truyền, vận động và giải quyết các vấn đề Nhân dân quan tâm trên địa bàn huyện, xã. Tổ này do đồng chí lãnh đạo thường trực huyện uỷ, đảng uỷ xã là tổ trưởng, các ban, ngành, đoàn thể là thành viên. Theo đó, các tổ định hướng, tuyên truyền đã thực hiện việc tuyên truyền về Quyết định 861 và Quyết định 433 tại các xã, thôn. Các trưởng thôn tiếp tục phổ biến, quán triệt về việc thực hiện chính sách đến từng hộ dân để người dân kịp thời nắm bắt, chủ động thực hiện.

Đơn cử, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan có 1.140 hộ với 5.073 nhân khẩu sinh sống tại 9 thôn. Thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 433, hiện xã có 2 thôn vùng III, 7 thôn điều chỉnh từ vùng III về vùng I. Ông Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Quyết định mới liên quan đến chính sách giáo dục cho hơn 300 trẻ và 3.066 người dân thụ hưởng thẻ BHYT. Ngay khi nắm bắt chính sách và sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền cho người dân. Về cơ bản, hiện người dân đều đã nắm được tinh thần quyết định và đồng tình ủng hộ. Theo đó, từ ngày 1/7 đến 5/8/2021, toàn xã đã có trên 300 người dân tự nguyện mua BHYT hộ gia đình để đảm bảo các quyền lợi về khám, chữa bệnh.

   Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách

Còn nhớ, từ năm 2019, Báo Lạng Sơn đã có tin, bài phản ánh về những tấm gương hộ gia đình viết đơn xin thoát nghèo của huyện Chi Lăng. Theo đó, năm 2019, huyện Chi Lăng có 4 hộ đầu tiên ở thôn Củ Na, xã Quan Sơn viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2020, trên địa bàn huyện tiếp tục có 22 hộ dân ở thị trấn Đồng Mỏ và 11 hộ dân ở xã Liên Sơn… viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Theo thống kê của Phòng LĐTB&XH – Dân tộc huyện Chi Lăng, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 71 hộ nghèo, cận nghèo tại 9 xã, thị trấn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đây là địa bàn đi đầu và cũng là địa bàn có số hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, cận nghèo nhiều nhất tỉnh, đã được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng.

Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, hầu hết các hộ viết đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo không phải hộ nào cũng đã có kinh tế khá giả, ổn định mà họ tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình, địa phương, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Người dân có thẻ BHYT điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Anh Nông Văn Đường, thôn Củ Na, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng cho biết: Mặc dù xã chúng tôi vẫn được là vùng II, hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng vợ chồng tôi tự thấy rằng chúng tôi còn trẻ, có sức khoẻ nên chủ động xin thoát nghèo để có mục tiêu, động lực phấn đấu vươn lên. Từ năm 2019 xin thoát nghèo đến nay, chúng tôi đã tập trung phát triển kinh tế và năm 2019, 2020 đã thoát nghèo bền vững. Qua đây, chúng tôi muốn lan toả tinh thần này đến với người dân tại các xã khác nói chung, trên địa bàn xã nói riêng, nhất là người dân những xã bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh vùng hãy thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu hộ nào cũng có ý chí tự lực vươn lên thì xã mới nhanh hết nghèo, mới thoát khỏi khó khăn.

Thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 433, Chi Lăng cũng như nhiều huyện khác đều có các xã, thôn bị ảnh hưởng, nhiều quyền lợi của người dân liên quan đến giáo dục, y tế không còn được hỗ trợ nữa. Giai đoạn 2015 – 2020, Chi Lăng có 70 thôn đặc biệt khó khăn ở 12 xã vùng II, 7 xã vùng III nhưng giai đoạn 2021 – 2025 toàn huyện còn 2 xã vùng II (giảm 10 xã), 8 xã vùng III (tăng 1 xã).

Cũng giống như huyện Chi Lăng, thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 433, huyện Cao Lộc có 8 xã vùng II, III điều chỉnh về vùng I. Theo đó, có trên 23 nghìn người dân bị cắt giảm thẻ BHYT và các chính sách khác liên quan đến giáo dục, hỗ trợ đầu tư, vay vốn kinh doanh… Nhờ chủ động truyền thông nên nhận thức của người dân được nâng cao, tạo đồng thuận trong thực hiện chính sách.

Bà Hoàng Thị Lợi, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc chia sẻ: Thực hiện quyết định mới, chúng tôi cũng đã biết xã mình được điều chỉnh từ vùng III về vùng I, tức là nhiều chính sách hỗ trợ người dân sẽ không còn được thụ hưởng nữa. Qua tuyên truyền của lãnh đạo xã, trưởng thôn, qua báo chí, truyền hình, chúng tôi hiểu rằng, Nhà nước, tỉnh cũng đã đầu tư cho xã rất nhiều về cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá để xây dựng nông thôn mới nên người dân cũng được thụ hưởng. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Có thể thấy, để có được sự đồng thuận trong Nhân dân như trên chính là nhờ công tác tuyên truyền đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, vì vậy, người dân từng bước đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Với việc hiểu đúng về chính sách đã tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nâng cao ý thức tự giác, nêu cao trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

   Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân

Khi Quyết định số 861 và Quyết định 433 được ban hành, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra một số vụ việc người dân tại địa bàn một số xã của các huyện: Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập… chưa hiểu đúng về chính sách của Nhà nước nên đã tập trung đông người để kiến nghị, thắc mắc liên quan đến thực hiện các quyết định trên, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Chính vì vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đoàn thể, lực lượng chức năng vào cuộc để tuyên truyền, giải thích, lắng nghe kiến nghị của người dân về tác động của chính sách.

Theo đó, một số khó khăn về hạ tầng, giao thông, nhà văn hoá xuống cấp được Nhân dân phản ánh đã được lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, xem xét, giải quyết kịp thời, qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đến nay, cơ bản tình hình gây rối an ninh trật tự của một số ít người dân phản ứng liên quan đến việc thực hiện chính sách mới đã được các địa phương tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ, đồng thuận thực hiện.

Qua gần hai tháng triển khai thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 433 cho thấy: về cơ bản Nhân dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi của tỉnh đã nắm bắt được chính sách và đồng thuận thực hiện. Trong đó có một số nội dung liên quan đến giáo dục, BHYT, nhất là những hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn thực hiện trong năm 2021 cần có giải pháp tháo gỡ.

Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho rằng: Qua rà soát thực tế trên địa bàn huyện, chúng tôi đã nắm được ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân và đã có báo cáo bằng văn bản  với cấp có thẩm quyền nhằm ổn định an sinh xã hội và công tác giảm nghèo bền vững.

Cũng như huyện Văn Quan, cấp ủy, chính quyền các huyện khác cũng đã nắm bắt được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con tại các địa bàn có sự điều chỉnh từ các quyết định trên. Từ đó báo cáo các cấp có thẩm quyền để nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình, đặc thù của địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó tạo đồng thuận cao trong Nhân dân, quyết tâm đưa chính sách vào cuộc sống, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi Xứ Lạng trong giai đoạn mới, xứng đáng với truyền thống tự lực, tự cường của người dân vùng đất biên cương Tổ quốc trong suốt dặm dài công cuộc dựng xây quê hương, đất nước.

   Lời kết

Thiết nghĩ, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành, mỗi người dân cần nêu cao hơn nữa ý thức tự vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, chủ động tìm tòi những cách làm hay, hiệu quả để thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Qua đó cùng chung tay, góp sức, đồng lòng với các cấp, ngành xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phát triển. Đặc biệt là phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, người dân vừa là người sáng tạo, góp sức thực hiện, vừa là người thụ hưởng, để mỗi người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

PHONG LINH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/442105-thuc-hien-quyet-dinh-861-tao-dong-thuan-dua-chinh-sach-vao-cuoc-song.html

  • Từ khóa