Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trồng rừng thay thế

Thứ 3, 21.02.2023 | 14:51:24
1,041 lượt xem

Những năm qua, việc thực hiện quy định trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và giúp người dân có thêm sinh kế.


Cán bộ kiểm lâm huyện Tràng Định kiểm tra diện tích rừng trồng thay thế tại thôn Bản Sliềng, xã Trung Thành

Theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNTN), các chủ đầu tư khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác bắt buộc phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng; bằng 3 lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên. Chủ đầu tư có thể lập phương án tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gồm: Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV (huyện Lộc Bình); Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1; Công ty Cổ phần Thủy điện Bắc Khê 1 (huyện Tràng Định). Theo đó, tổng số tiền từ các đơn vị trên là khoảng 3,3 tỷ đồng, tương đương với kinh phí trồng 61,4 ha rừng thay thế.

Trên cơ sở ưu tiên bảo toàn diện tích rừng hiện có tại các huyện trên, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí trên về cho UBND huyện Tràng Định và UBND huyện Lộc Bình để tiến hành triển khai trồng rừng thay thế theo thứ tự ưu tiên trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất.

Đối với huyện Lộc Bình, ngay sau khi tiếp nhận kinh phí, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tiến hành rà soát quỹ đất trống quy hoạch trồng rừng phòng hộ. Qua rà soát theo bản đồ hiện trạng rừng và khảo sát thực tế, các đơn vị đã quyết định triển khai công tác trồng rừng tại thôn Cốc Sâu và thôn Phai Mạt, xã Nam Quan với diện tích 30,3 ha.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình cho biết: Đơn vị đã phối hợp với Phòng NN&PTNT lựa chọn nguồn cây giống đảm bảo chất lượng. Từ đó, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc cây theo đúng các quy trình kỹ thuật. Đồng thời, đề nghị các hộ ký cam kết quản lý, bảo vệ rừng trồng thay thế tại diện tích trên. Từ đó đến nay, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá lại công tác chăm sóc, bảo vệ định kỳ theo quý, theo năm. Ngoài ra, đơn vị đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám nắm tình hình phát triển của diện tích rừng trồng thay thế, thường xuyên trao đổi thông tin với người dân để kịp thời nắm bắt khó khăn và hỗ trợ người dân chăm sóc rừng đạt hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình, các hộ dân đều tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, rừng trồng thay thế sau 3 năm đã sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống của các lô rừng tại đây đạt trên 90%.

Còn tại huyện Tràng Định, việc trồng rừng thay thế được thực hiện tại thôn Bản Sliềng, xã Trung Thành. Trên diện tích đất trống quy hoạch rừng phòng hộ, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Trung Thành tiến hành họp thôn để phổ biến kế hoạch cho người dân. Qua đó, đã có 10 hộ dân tại thôn Bản Sliềng, xã Trung Thành đăng ký tham gia trồng rừng phòng hộ với tổng diện tích 31,1ha.

Ông Mông Văn Luân, đại diện nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng trồng thay thế tại thôn Bản Sliềng, xã Trung Thành cho biết: Khi triển khai trồng rừng thay thế, chúng tôi thường xuyên trao đổi với cán bộ Phòng NN&PTNT huyện và cán bộ kiểm lâm địa bàn để thực hiện công tác chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật. Đồng thời, huy động các hộ cùng thực hiện các biện pháp như: tạo đường băng cản lửa, dọn thực bì để tránh xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, chúng tôi còn kiến nghị chính quyền xã Trung Thành và các xã lân cận tuyên truyền đến người dân không chăn thả gia súc vào khu vực rừng trồng thay thế và tự thực hiện kiểm tra, tuần rừng để tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ. Hiện tại, tỷ lệ sống của các lô rừng trên đạt gần 90%.

Theo số liệu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong năm 2021 và năm 2022, tiếp tục có 6 đơn vị tại địa bàn 5 huyện, thành phố thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với tổng số tiền khoảng 2,6 tỷ đồng. Hiện tại, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai phân bổ các nguồn vốn trên về các địa phương để thực hiện trồng rừng thay thế.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Chính sách trồng rừng thay thế đã và đang góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Không chỉ vậy, việc triển khai chính sách trồng rừng thay thế còn giúp người dân có thêm sinh kế, phát triển kinh tế. Để việc trồng rừng thay thế đạt hiệu quả, chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện tốt các khâu như: lựa chọn vị trí quỹ đất phù hợp; lựa chọn nguồn cây giống đảm bảo chất lượng; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng… Thời gian tới, chi cục tiếp tục đôn đốc các đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo đúng quy định.

Từ những kết quả trên, có thể thấy, việc triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao.


GIA KHÁNH

https://baolangson.vn/kinh-te/562838-su-dung-hieu-qua-nguon-kinh-phi-trong-rung-thay-the.html

  • Từ khóa