Khi ngân hàng sinh thêm... ngân hàng

Chủ nhật, 26.03.2023 | 15:10:30
986 lượt xem

Nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang chạy đua trong việc đầu tư các ngân hàng số với thương hiệu hoàn toàn mới song song với việc phát triển ứng dụng mobile banking.

Đầu tháng 3, OCB giới thiệu ngân hàng số Liobank, trở thành nhà băng tiếp theo gia nhập cuộc đua này. Trước đó, vào năm 2015, VPBank đưa ra thị trường thương hiệu Timo - ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam. Timo hiện nay vẫn hoạt động nhưng lại do Viet Capital Bank hậu thuẫn.

Ở chiều ngược lại, VPBank vẫn có các thương hiệu ngân hàng số mới như Cake, Ubank. Một số nhà băng khác như MSB, Kienlongbank cũng tung ra các ứng dụng ngân hàng số của riêng mình.

Theo Thạc sĩ Lê Anh Dũng và Thạc sĩ Nguyễn Thùy Anh (Ngân hàng Nhà nước), hiện có hai xu hướng phát triển ngân hàng số chính tại các quốc gia trên thế giới là "hoạt động ngân hàng số" (Digital Banking) và "thực thể ngân hàng số" (Digital Bank).

Digital Banking là hoạt động chuyển đổi số, số hóa hoạt động ngân hàng để chuyển biến các ngân hàng truyền thống thành tổ chức có năng lực số, có thể cung ứng dịch vụ, vận hành toàn diện hoạt động ngân hàng trên môi trường số.

Còn Digital Bank lại là thực thể ngân hàng ứng dụng sâu rộng công nghệ số và dựa trên dữ liệu, chỉ hoạt động trên kênh số, hướng tới trải nghiệm khách hàng, tạo giá trị khác biệt thông qua hợp tác hoặc cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống.

Khi ngân hàng sinh thêm... ngân hàng - 1

Ngân hàng số không còn là khái niệm xa lạ với nhiều người dùng (Ảnh: Việt Đức).

Hiện tại, các mô hình ngân hàng số ở Việt Nam không phát sinh giấy phép ngân hàng riêng, vẫn hoạt động dựa trên giấy phép của ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng hợp tác, bảo trợ. Các ngân hàng như OCB, Viet Capital Bank, VPBank sẽ chịu trách nhiệm về pháp lý hoạt động liên quan nền tảng ngân hàng số và chịu trách nhiệm cuối cùng trước những rủi ro liên quan đến dịch vụ và nền tảng ngân hàng số.

Ngân hàng số có khả năng khai thác, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng linh hoạt hơn dựa trên việc phân tích dữ liệu, phát triển, thay đổi sản phẩm mới nhanh chóng, mang tính cá nhân hóa. Ngược lại, ứng dụng của ngân hàng truyền thống sẽ số hóa các dịch vụ, sản phẩm truyền thống của ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết nếu như ứng dụng của ngân hàng (Digital Banking) hướng đến tất cả khách hàng, ứng dụng ngân hàng số riêng biệt (Digital Bank) tập trung vào một nhóm khách hàng riêng là người trẻ, lớn lên trong thời đại số. Theo ông, ngân hàng số được rút gọn các đặc tính so với ứng dụng của ngân hàng nên khi sử dụng sẽ mượt mà hơn.

"Nếu ra quán phở để thanh toán, khách hàng sẽ muốn dùng ứng dụng nào nhanh nhất, gọn nhất. Còn nếu muốn đầu tư hay vay vốn, họ sẽ cẩn thận, làm từ từ, thao tác từng bước, có thể phức tạp hơn nhưng vẫn chấp nhận được", ông Tùng lý giải sự khác biệt trong hành vi của khách hàng đối với từng nhóm nhu cầu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM - đánh giá hiện nay các ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam chỉ mới cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tương tự kênh số của ngân hàng truyền thống như chuyển tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm nên chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt.

"Về cơ bản, các ứng dụng được quảng bá là ngân hàng số chưa có nhiều khác biệt so với ứng dụng mobile banking của ngân hàng. Tuy nhiên, đó cũng là một cách để các ngân hàng làm thương hiệu", TS Huân nêu quan điểm.


Việt Đức/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/khi-ngan-hang-sinh-them-ngan-hang-20230320011523186.htm

  • Từ khóa