Vì sao lại tăng giá điện ngay cao điểm nắng nóng?

Thứ 3, 16.05.2023 | 15:10:17
1,036 lượt xem

Đại diện EVN giải thích việc điều chỉnh giá điện được thực hiện sau khi có kết quả kiểm tra, kiểm toán hoạt động sản xuất - kinh doanh và giá thành điện của năm trước

Ngày 16-5, tại tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh Niên tổ chức, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại chọn tăng giá điện ngay lúc nắng nóng, sao không chờ khi mùa mưa, thời tiết mát mẻ, dùng điện ít hãy tăng giá?

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trả lời việc điều chỉnh giá bán điện bình quân của EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định tại Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng.

"Lần gần nhất EVN tăng giá điện là tháng 3-2019, tức là 4 năm qua, giá điện giữ nguyên trong khi EVN chịu áp lực tăng chi phí đầu vào rất lớn.

Thời gian qua, ngành điện rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính, gây khó khăn vận hành lưới điện. EVN đã nỗ lực tiết giảm tất cả các chi phí nhưng tình trạng mất cân bằng tài chính không được cả thiện.

Đầu năm 2023, sau khi có kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2022 được kiểm toán, giá thành điện cũng được kiểm tra và chúng tôi tăng giá điện ở mức bình quân 3%, chỉ bù đắp phần nào. Việc tăng giá điện vào đầu năm sẽ giúp ngành điện giảm áp lực vào cuối năm, tập đoàn sẽ có dòng tiền vận hành hệ thống lưới điện an toàn hơn" – ông Dũng chia sẻ.

Vì sao lại tăng giá điện ngay cao điểm nắng nóng? - Ảnh 2.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN Việt Nam, thông tin thêm, về nguồn điện, EVN và các công ty thành viên chủ động 40% công suất, 60% còn lại huy động bên ngoài theo nguyên tắc: nguồn điện giá rẻ huy động trước, giá cao huy động sau. Đặc điểm của ngành điện là huy động đủ nguồn điện cho nhu cầu tức thì, không dự trữ được.

"Khi nào nhu cầu điện tăng cao, ngành điện huy động nhiều hơn, giá thành cao hơn. Có những lúc, EVN huy động nguồn điện chạy bằng dầu với giá hơn 5.000 đồng/kWh trong khi giá bán điện bình quân của EVN là 1.920 đồng/ kWh."- ông Lâm giải thích.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%, ngoài tầm kiểm soát của EVN. Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng so với 2021 là 9,27%. "Do đó, nếu không có bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị "ngắt". Khi đó, EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất - kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế." – ông Thỏa nêu.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa trong tiết kiệm điện. Nếu mỗi người dân, doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại một chút trong cách sử dụng sẽ tiết kiệm được rất nhiều điện để phục vụ cho sản xuất. 

Như ở các hộ gia đình, máy lạnh sử dụng điện nhiều nhất, chiếm từ 40-70% hóa đơn hằng tháng. Do đó, chỉ cần chỉnh nhiệt độ phù hợp (không thấp hơn 26 độ C, kết hợp với quạt) sẽ giúp tiết kiệm điện và tránh sốc nhiệt khi ra bên ngoài.


Ngọc Ánh/dantri.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-lai-tang-gia-dien-ngay-cao-diem-nang-nong-20230516142714516.htm

  • Từ khóa