Bịt lỗ hổng trong quản lý các dịch vụ giáo dục

Thứ 3, 07.02.2023 | 14:45:39
973 lượt xem

Hiện nay, trong các trường học, nhiều chương trình dịch vụ giáo dục được triển khai như: Giáo dục kỹ năng sống, tiếng Anh tích hợp, giáo dục STEM, tin học...

Các chương trình giáo dục dịch vụ có thu phí theo hình thức xã hội hóa trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ học sinh. Nhà trường liên kết với các đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế. Qua quá trình triển khai, nhiều chương trình dịch vụ giáo dục đáp ứng nhu cầu người học, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mới, hữu ích, góp phần cải thiện chất lượng dạy và học. Không những vậy, những chương trình trên từng bước giúp các trường tiếp cận mô hình dạy học tiên tiến, hướng đến chuẩn quốc tế.

Bịt lỗ hổng trong quản lý các dịch vụ giáo dục
Ảnh minh họa: Báo Giáo dục Việt Nam

Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai các chương trình dịch vụ giáo dục trong trường công lập thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, việc quản lý tài chính từ các dịch vụ giáo dục có thu phí diễn ra phức tạp. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang đã tạm dừng thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng sống bậc tiểu học và trung học cơ sở tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Lý do tạm dừng là qua kiểm tra phát hiện các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, vi phạm quy định về khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD&ĐT. Cha mẹ học sinh không biết khoản học phí này sử dụng vào việc gì.

Trên tinh thần tự nguyện của người học và sự thống nhất của cha mẹ học sinh, nhưng thực tế ở nhiều trường, cha mẹ buộc phải đăng ký cho con theo học các chương trình dịch vụ giáo dục. Chẳng hạn, nếu cha mẹ không đăng ký học tiếng Anh nâng cao có giáo viên nước ngoài giảng dạy thì con sẽ phải chuyển sang lớp khác. Hay chương trình giáo dục STEM học ngoài giờ do người của trung tâm dạy thì lại được sắp xếp vào giờ chính khóa do giáo viên tại trường tổ chức lên lớp.

Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhà trường được sử dụng vào dạy các hoạt động kỹ năng sống và có thu phí. Điều khiến cha mẹ học sinh băn khoăn là các hoạt động giáo dục, dạy kỹ năng này liệu có được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép hay không? Việc minh bạch trong hoạt động thu chi các dịch vụ được thực hiện như thế nào? Tổ chức nào chịu trách nhiệm về nội dung giáo trình, việc đánh giá kiểm định chất lượng dạy và học cùng những lợi ích đối với học sinh?

Hiện nay, cơ sở vật chất ở nhiều trường vẫn thiếu thốn, không đáp ứng đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học. Việc giảng dạy lồng ghép kỹ năng sống là vấn đề khó và không phải giáo viên nào cũng làm được. Bởi yêu cầu người dạy phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan.

Để các dịch vụ giáo dục có thu phí triển khai trong trường công tạo sự đồng thuận, phát huy hiệu quả, các cấp quản lý phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tuân thủ theo đúng các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khắc phục những vướng mắc như sử dụng tài sản công, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi không phù hợp. Đơn vị kết hợp với nhà trường để giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục khác phải thực hiện đầy đủ thủ tục xin cấp phép hoạt động, chịu trách nhiệm về các nội dung giáo dục, chất lượng giáo dục, thường xuyên nắm thông tin phản hồi từ phía người học.

Cơ sở giáo dục không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Đội ngũ giáo viên phải có nghiệp vụ sư phạm, giấy chứng nhận được đào tạo về lĩnh vực giáo dục đảm nhiệm... Có như vậy, hoạt động dịch vụ giáo dục mới thực sự bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.


Đăng Khoa/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/bit-lo-hong-trong-quan-ly-cac-dich-vu-giao-duc-718178

  • Từ khóa