Chuyên gia nêu giải pháp quản lý chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực

Thứ 2, 13.02.2023 | 08:37:19
724 lượt xem

Theo ông Lê Đình Hiếu, vấn đề quản lý, tổ chức kỳ thi sao cho minh bạch, nghiêm túc cần có cơ quan quản lý Nhà nước tham gia, còn nội dung đề thi nên giao cho các trường quyền tự chủ.

"Điều không tránh khỏi" khi giao quyền tự chủ cho trường đại học

Theo chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), trước hết cần nhìn nhận rằng, khi được trao quyền tự chủ, việc các trường đại học hướng tới tự chủ tuyển sinh là không thể tránh khỏi.

Trước đó, các trường đã tự chủ tài chính, một số trường công lập bắt đầu điều chỉnh học phí tăng lên, có nhiều chương trình đào tạo dành cho các phân khúc khác nhau (có những hệ đào tạo học phí lên tới cả trăm triệu đồng/năm học). Ngoài quyền tự chủ tài chính, quyền tự chủ tuyển sinh là điều các trường được phép làm và nên được phép làm.

Chuyên gia nêu giải pháp quản lý chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực - 1

Ông Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), chuyên gia cao cấp từ MAX Education (Ảnh: NVCC).

Ông Hiếu cho rằng, hiện Bộ GD&ĐT đã có kỳ thi tốt nghiệp THPT với các môn thi như toán học, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học,… Nếu các trường tự chủ tuyển sinh cũng làm bài thi theo hướng này sẽ trùng với chương trình của Bộ. Trong khi đó, việc tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh thực tế có nhiều mặt tích cực.

Dưới góc nhìn của người làm công tác về đánh giá chất lượng, kiểm định giáo dục, ông Hiếu nhìn nhận những bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được biết đến nhiều nhất hiện nay như của Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội đều không đặt nặng tính thuộc lòng, không đặt nặng việc học sinh phải nhớ kiến thức mà thật sự đánh giá vào cấp độ tư duy của người học.

"Nếu người học có một kiến thức nền đủ tốt, vận dụng một cách khéo léo, kết hợp sử dụng logic, có kỹ năng về phản biện, phân tích vấn đề, họ sẽ làm bài đánh giá năng lực rất tốt. Tôi cho rằng những bài kiểm tra đánh giá về năng lực như vậy sẽ giúp giảm bớt nhiều áp lực về việc học thuộc lòng, về luyện thi, cũng cho các trường một công cụ mới để đánh giá năng lực của thí sinh", ông phân tích.

Theo ông, thời gian tới, xu hướng các trường tự chủ về tuyển sinh, có những bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy sẽ tăng lên. Số trường chấp nhận sử dụng kết quả kỳ thi của trường khác để xét tuyển cũng lan rộng hơn. Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng sẽ đến lúc một loạt các trường đại học nhỏ, quy mô không đủ lớn hoặc không đòi hỏi quá cao về vấn đề tuyển sinh đầu vào sẽ "liên quân" lại với nhau, sử dụng chung một kết quả đánh giá.

"Điều này tương tự ở Mỹ. Những trường đại học nhỏ, quy mô không lớn đã "liên quân" lại với nhau và sử dụng một hệ thống nộp đơn chung, gọi là Common App. Tới nay, có hơn 1.000 trường đại học của Mỹ sử dụng hệ thống này.

Một thí sinh khi nộp đơn lên Common App có thể đẩy hồ sơ của mình đến cả nghìn trường cùng lúc. Yêu cầu bộ hồ sơ của các trường gần như giống nhau, nếu có chỉ thay đổi khoảng 5%, còn lại 95% vẫn theo một chuẩn chung. Tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó, chúng ta cũng sẽ phát triển theo xu hướng này", ông Hiếu nói.

Ông nhấn mạnh, việc có nhiều phương thức, kỳ thi để xét tuyển cũng đem lại lợi ích cho thí sinh. Bởi các em có nhiều quyền lựa chọn hơn, khi lỡ thất bại ở lựa chọn này vẫn còn lựa chọn khác thay thế. Về lâu dài, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội để được vào đại học hơn. Điều này cũng đi theo xu hướng vận động chung của nền giáo dục thế giới.

Hướng nghiệp từ sớm giúp giảm gánh nặng ôn tập của thí sinh

Nêu quan điểm về việc các trường "ồ ạt" tổ chức thi riêng, thí sinh ôn tập quá nhiều kỳ thi cùng lúc sẽ khiến áp lực nhân lên nhiều lần, chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu cho rằng, áp lực chắc chắn sẽ tăng khi thí sinh chọn thi nhiều nơi để tăng cơ hội trúng tuyển.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, những áp lực này không đến từ việc các trường tổ chức thi riêng, có những phương thức xét tuyển khác nhau mà là do các em không được hướng nghiệp tốt ngay từ đầu.

"Ví dụ một bạn trẻ từ lớp 10, lớp 11 đã được hướng nghiệp, đánh giá về xu hướng tính cách, thế mạnh, năng lực học tập,… và biết được bạn yêu thích, phù hợp với ngành ngân hàng, xác định rõ chỉ thi khối ngành tài chính - ngân hàng, chỉ quan tâm đến trường có khối ngành này. Đến năm lớp 12, khi đã xác định rất rõ đích đến của mình, bạn sẽ tránh được chuyện nộp hồ sơ lan man, phải chuẩn bị cho nhiều bài thi khác nhau.

Có một thực tế là hiện nay, nhiều học sinh đến tuổi 18 vẫn không xác định được ngành mình mong muốn, từ đó mới dẫn đến chuyện phải đăng ký thi nhiều trường", ông Hiếu phân tích.

Chuyên gia nêu giải pháp quản lý chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực - 2

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực (Ảnh: H.L).

Theo ông, giải pháp là ngay khi bước vào đầu cấp THPT, học sinh nên được hướng nghiệp tốt, xác định được khối ngành, trường đại học phù hợp. Khi lên lớp 12, các em chỉ cần tập trung theo hướng đã đề ra, chọn thi kỳ thi riêng của trường đó hoặc phương thức xét tuyển phù hợp để thực hiện mục tiêu.

Với một số ý kiến nhận định lệ phí thi của các kỳ thi riêng là khá cao, sẽ gây khó khăn cho thí sinh và gia đình, đặc biệt với các em ở vùng sâu, vùng xa, chuyên gia Lê Đình Hiếu chia sẻ, từng có thời gian làm công tác tuyển sinh ở trường đại học, ông nhìn nhận công tác xét hồ sơ, xử lý hồ sơ thực tế rất vất vả, nhiều đầu việc.

Các trường buộc phải thu lệ phí bởi công sức bỏ ra để xử lý hồ sơ rất nặng nề, mặc dù họ đều hiểu khi thu lệ phí có thể làm giảm số lượng thí sinh đăng ký.

Theo ông Hiếu, một trong những giải pháp phù hợp nhất giúp giảm lệ phí các kỳ thi riêng là đẩy mạnh số hóa quá trình nộp đơn, đăng ký xét tuyển: "Tôi nghĩ bước chuyển đổi số và công nghệ hóa quá trình tuyển sinh sẽ làm giảm chi phí của nhà trường, mà chi phí từ phía nhà trường giảm thì chi phí nộp đơn của thí sinh cũng sẽ giảm".

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng nên có các chính sách miễn giảm lệ phí thi đối với một số nhóm đối tượng, có thể là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn; thí sinh có thành viên trong gia đình hoặc bố mẹ là cựu sinh viên của trường; thí sinh đạt thành tích cao trong học tập,…

Quản lý chất lượng các kỳ thi riêng thế nào?

Về việc quản lý chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, ông Lê Đình Hiếu nhấn mạnh, nên chia thành hai vấn đề.

Thứ nhất, vấn đề quản lý về mặt tổ chức kỳ thi sao cho minh bạch, nghiêm túc, không có gian lận, bắt buộc phải có những cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào. Cụ thể, việc viết đề án, quy trình tổ chức kỳ thi cần làm rất kỹ càng, trải qua nhiều vòng phản biện với Bộ GD&ĐT để đảm bảo minh bạch, nghiêm túc, khi ấy trường mới được tổ chức kỳ thi.

Thứ hai, về mặt chất lượng nội dung, tức đề thi nên giao cho trường quyền tự chủ. "Không có trường nào ra đề kém để lấy người kém vào học hết. Nhất là trong tình hình hiện nay, các trường cũng bắt đầu đi theo cơ chế thị trường, đặc biệt là trường tư.

Nếu sinh viên tốt nghiệp có đầu ra tốt, có nhiều doanh nghiệp nhận vào làm, cơ hội nghề nghiệp tốt thì lúc đó trường mới có danh tiếng và mới tiếp tục dễ dàng tuyển sinh những năm sau. Cho nên, tôi không thấy có vấn đề gì về việc các trường tự ra đề, thậm chí nhiều khi họ quyết định mới là đúng bởi họ hiểu được đặc thù ngành, đặc thù đào tạo của chính họ", ông Hiếu nêu quan điểm.

Chuyên gia này cũng cho rằng, đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để chất lượng sẽ cần xác định được 2 yếu tố chính, gồm: những kỹ năng lõi thí sinh cần có để theo học, thành công trong ngành mình lựa chọn và tư duy, thái độ, cách suy nghĩ.

"Ở Singapore, khi tuyển sinh ngành Y, họ có bài kiểm tra về "thái độ nghề nghiệp" của thí sinh. Ví dụ, một người rất giỏi môn hóa học, sinh học, nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm, không mong muốn chăm sóc người khác thì không thể nào thành bác sĩ, điều dưỡng được. Rõ ràng nếu chúng ta chỉ đánh giá thuần túy dựa trên điểm hóa, sinh sẽ bị thiếu phần đó. Do vậy, đề thi đánh giá năng lực nên có những nội dung này", ông Hiếu nói.

Ông cũng nhấn mạnh, nội dung đề thi nên giao cho các trường tự chủ, nhưng về góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT vẫn cần kiểm soát đề thi trên hai khái niệm: tính đáng tin và tính phân loại.

Tính đáng tin được thể hiện ở việc trường đại học khi viết đề xong cần có trách nhiệm "test mẫu" để đánh giá chất lượng bài kiểm tra, sau đó mới đưa ra làm đề thi chính thức. Đây cũng là xu hướng thông thường trên thế giới, khi những bài thi ở cấp độ quan trọng đều bắt buộc test mẫu.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng nên kiểm soát về tính phân loại của đề thi, tức đề thi có đủ tốt để giúp phân loại thí sinh hay không.

"Tựu chung lại, tôi cho rằng nội dung cụ thể của đề thi nên giao về các trường, nhưng những yếu tố về mặt kỹ thuật của đề thi, kỳ thi thì cơ quan quản lý Nhà nước nên có sự kiểm soát", ông Hiếu cho hay.


Nguyễn Liên/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/chuyen-gia-neu-giai-phap-quan-ly-chat-luong-cac-ky-thi-danh-gia-nang-luc-20230210044343517.htm

  • Từ khóa