Dinh dưỡng là điều trị đầu tiên, cơ bản và suốt đời khi mắc đái tháo đường

Thứ 5, 01.12.2022 | 14:48:33
1,260 lượt xem

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới-The International Diabetes Federation (IDF), năm 2021, đã có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) trên thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), cứ 10 người lại có 1 người mắc ĐTĐ. Cứ 4 người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ thì có hơn 3 người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021, có nghĩa là cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong do bệnh ĐTĐ trên

Tại Lạng Sơn, trong Chương trình “Cùng Sống Khỏe” được ký kết tháng 9/2022 giữa Quỹ Vì Sức Khỏe Tim Mạch Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhằm hỗ trợ y tế tuyến cơ sở hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh tim mạch, ĐTĐ và các bệnh không lây nhiễm khác, trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các trung tâm y tế triển khai chương trình tại 6 huyện trên địa bàn tỉnh gồm: Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định và Văn Lãng.

Lấy máu xét nghiệm khi khám sức khỏe định kỳ tại Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sỹ Trần Thị Phương Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm – Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong tháng 10/2022, Chương trình “Cùng Sống Khỏe” đã thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và khám sàng lọc cho 7.500 người dân từ 40 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ cao và chưa được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại 30 xã, thị trấn của 6 huyện trong tỉnh. Trong đó, phát hiện 738 người mắc ĐTĐ, chiếm 9,84% số người được khám sàng lọc. Các xã có tỷ lệ người mắc cao hơn cả là: xã Tri Phương (huyện Tràng Định) có 97 người, xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) và xã Đình Lập (huyện Đình Lập) mỗi xã có 65 người.

Hầu hết các triệu chứng ban đầu của bệnh ĐTĐ là mức glucose trong máu cao hơn bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ĐTĐ typ 1 bao gồm: đói và mệt; đi tiểu thường xuyên hơn và khát hơn; khô miệng, khát nước nhiều và ngứa da; sút cân nhiều; thị lực giảm. Ở ĐTĐ typ 2 bệnh nhân diễn biến rất âm thầm thậm chí không có triệu chứng gì, không có nhiều triệu chứng như ĐTĐ typ 1. Người bệnh có thể được chẩn đoán mắc bệnh này khi đi khám bác sĩ vì bệnh khác và làm xét nghiệm glucose máu hoặc phát hiện bệnh vì có các biến chứng khác như vết thương nhiễm trùng khó liền hoặc nhiễm trùng nấm men…

Dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là kiềng 3 chân trong điều trị ĐTĐ, trong đó dinh dưỡng là điều trị đầu tiên, điều trị cơ bản và điều trị suốt đời.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để ổn định đường huyết, tránh biến chứng và có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể, người bệnh cần tuân thủ hằng ngày một số nguyên tắc sau: Không phải kiêng tuyệt đối bất cứ thực phẩm gì, kể cả đường nhưng số lượng ăn bao nhiêu cần được hướng dẫn bởi các nhân viên y tế chuyên ngành; nên ăn đủ, đều 3 bữa/ngày; khi đường huyết không kiểm soát sẽ được chỉ định thêm các bữa phụ bởi nhân viên y tế chuyên ngành; cung cấp đủ năng lượng, có thể giảm cân, nếu có thừa cân-béo phì; sử dụng đủ lượng trái cây và hạt có dầu (lạc, vừng, mè, hướng dương, bí…) theo khuyến nghị. Nên ăn nhạt (<5g muối NaCl hoặc <2,000mg Na), khi có bệnh lý tim mạch, bệnh thận… Sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương, phù hợp với tập quán, vùng miền, điều kiện kinh tế… của từng người bệnh; uống đủ nước lọc và hoạt động thể lực theo đúng như khuyến cáo. Hạn chế rượu, bia, cũng như các chất kích thích khác; đi tư vấn dinh dưỡng định kỳ theo hẹn của nhân viên y tế để được giáo dục và tư vấn cụ thể với tình trạng của từng người bệnh.


MINH ANH (Trung tâm KSBT tỉnh)

https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/544501-dinh-duong-la-dieu-tri-dau-tien-co-ban-va-suot-doi-khi-mac-dai-thao-duong.html

  • Từ khóa