Tăng cường năng lực phục vụ quản lý thiên tai của tỉnh Lạng Sơn

Thứ 2, 20.12.2021 | 14:48:25
698 lượt xem

LSTV - Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Lạng Sơn, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có số ngày có mưa to trong năm có xu thế tăng lên trong tương lai theo các kịch bản Biến đổi khí hậu (BĐKH) so với thời kỳ cơ sở. Khu vực trạm Hữu Lũng, trạm Đình Lập và trạm Thất Khê là các khu vực có nhiều ngày có mưa to trong năm, 3 trạm  cũng là các khu vực có mức độ tăng số ngày có mưa to trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở nhiều nhất, lớn hơn nhiều so với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại trạm Hữu Lũng, trung bình thời kỳ 2080-2099 theo kịch bản RCP8.5, số ngày có mưa to có khả năng tăng thêm 85,98% so với trung bình thời kỳ cơ sở. [1]. 

Đối với lũ lụt và lũ quét, theo kết quả tính toán cho thấy, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có tổng lượng dòng chảy mùa lũ có xu thế tăng trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở và có xu thế tăng khá tương đồng giữa các khu vực khác nhau trong tỉnh. Khu vực huyện Bình Lộc có mức độ tăng ít nhất ở tất cả các thời kỳ của các kịch bản BĐKH. Trong thời kỳ 2016-2035, khu vực huyện Cao Lộc có mức độ tăng nhiều nhất ở cả kịch bản RCP4.5 (10,64 %) và kịch bản RCP8.5 (13,68 %). Trong thời kỳ 2046-2065, khu vực thành phố Lạng Sơn có mức độ tăng nhiều nhất ở kịch bản RCP4.5 (18,93 %) và khu vực huyện Chi Lăng có mức độ tăng nhiều nhất ở kịch bản RCP8.5 (24,63 %). Trong thời kỳ 2080-2099, khu vực huyện Chi Lăng có mức độ tăng nhiều nhất ở cả kịch bản RCP4.5 (30,74 %) và kịch bản RCP8.5 (44,85 %). Bên cạnh đó, số ngày có nguy cơ xảy ra lũ quét có xu thế tăng lên trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở, tuy nhiên, mức độ tăng không đáng kể. Mức độ tăng nhiều nhất xảy ra ở khu vực huyện Bắc Sơn và huyện Đình Lập. [2].

Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh Lạng Sơn kiểm tra hồ, đập chứa nước tại huyện Bình Gia

Đối với tình trạng hạn hán, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có số ngày nắng nóng trong năm có xu thế tăng rất mạnh trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở. Trong thời kỳ cơ sở, khu vực trạm Hữu Lũng và Thất Khê là các khu vực có nhiều ngày nắng nóng trong năm. Trong khi đó, trạm Bắc Sơn, Đình Lập và Lạng Sơn là các trạm có mức độ gia tăng mạnh nhất số ngày nắng nóng trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở. Từ đó có thể thấy, nguy cơ xảy ra hạn hán trong tương lai là rất cao trên khắp các khu vực thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. [3]. 

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, vào mùa đông Lạng Sơn thường xuyên diễn ra tình trạng rét đậm (xảy ra khi nhiệt độ không khí giảm xuống dưới 15°C) và rét hại (xảy ra khi nhiệt độ không khí giảm xuống dưới 13°C). Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Lạng Sơn, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có số ngày rét đậm trong năm có xu thế giảm xuống trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở. Trong thời kỳ cơ sở, khu vực trạm Bắc Sơn và trạm Lạng Sơn là các khu vực có nhiều ngày rét đậm trong năm, trong khi các trạm Đình Lập và Thất Khê có mức độ giảm số ngày rét đậm trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở nhiều nhất. Tương tự với số ngày rét đậm, trong thời kỳ cơ sở, khu vực trạm Bắc Sơn và trạm Lạng Sơn là các khu vực có nhiều ngày rét hại trong năm. Trong khi đó, trạm Lạng Sơn và trạm Thất Khê đây là các khu vực có mức độ giảm số ngày rét hại trong tương lai theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ cơ sở nhiều nhất. [4]. 

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại thành phố Lạng Sơn năm 2021

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc tăng cường năng lực phục vụ quản lý thiên tai (lũ lụt, lũ quét) và bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông thuộc tỉnh Lạng Sơn là vô cùng cần thiết. 

Lạng Sơn cần tập trung tiến hành đồng thời các nhiệm vụ và giải pháp ứng phó với thiên tai như sau:

- Tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê sông, thực hiện đồng bộ các nội dung: lập quy hoạch phòng, chống lũ cho các hệ thống sông, rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống đê, làm cơ sở cho công tác xây dựng, tu bổ, quản lý, bảo vệ đê điều, cải tạo và nâng cấp công trình dưới đê, xử lý những khu vực nền đê yếu, cứng  hóa mặt đê kết hợp giao thông nông thôn.

- Tiếp tục xây dựng mới các hồ chứa nước, lập quy trình vận hành các hồ chứa lớn đã xây dựng tham gia điều tiết cắt giảm lũ, điều tiết dòng chảy mùa kiệt để chống hạn và chống xâm nhập mặn; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

- Tăng cường khả năng thoát lũ của lòng sông bao gồm: giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; nạo vét lòng dẫn và hoàn thiện các phương án phân lũ.

- Đối với các tỉnh ven biển, thực hiện chương trình khôi phục và nâng cấp đê biển, trồng cây chắn sóng và trồng rừng phòng hộ ven biển. Trồng cỏ chống xói mòn thân đê, xây dựng công trình phòng, chống xói lở.

[1].Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn

[2].Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn

[3].Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn

[4].Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Nguồn tổng hợp: Nhiệm vụ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Từ khóa