Bảo tồn di tích đình Pác Moòng: Góp phần lan tỏa giá trị văn hoá, lịch sử

Thứ 5, 09.03.2023 | 14:27:53
836 lượt xem

Đình Pác Moòng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn là một trong những di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thờ vọng Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), chứa đựng giá trị lịch sử văn hóa. Trải qua thăng trầm lịch sử, di tích đã bị hư hỏng, đổ nát. Đến năm 2021, đình Pác Moòng được chính quyền và Nhân dân chung tay đầu tư khôi phục.

Những ngày đầu tháng 3/2023, chúng tôi đến thôn Quảng Trung 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn – nơi có di tích đình Pác Moòng. Ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh một ngôi đình khang trang có hệ thống đồ thờ tự được bài trí hợp lý, phía gian thờ trong cùng của ngôi đình đặt bức tượng Vua Đinh Tiên Hoàng uy nghiêm. Chị Lương Thị Lệ Quyên, Công chức Văn hóa – Xã hội, UBND xã Quảng Lạc cho biết: Đình Pác Moòng là nơi thờ cúng linh thiêng và là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và phục vụ việc tham quan của Nhân dân, du khách, tôi cùng với một số thành viên trong ban quản lý di tích vẫn thường xuyên đến đây thắp hương, quét dọn đảm bảo cho di tích luôn sạch sẽ, trang nghiêm.

Công chức Văn hóa – Xã hội xã Quảng Lạc giới thiệu lịch sử đình Pác Moòng tới người dân

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, đình Pác Moòng do Nhân dân địa phương trong vùng dựng lên vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX nhằm ghi nhớ công ơn của Vua Đinh Tiên Hoàng. Truyền thuyết dân gian kể lại, Vua Đinh cùng hai tướng là Lưu Đình Học và Nguyễn Đình Lục đã từng đến đây tuần du biên giới và dẹp giặc. Sau khi đánh thắng giặc, vua Đinh và các tướng rút về kinh thành. Sau đó, Nhân dân ba thôn: Bản Quánh, Pác Moòng, Khuôn Nhà thuộc xã Quảng Lạc đã xây dựng ngôi đình tại ngọn núi thấp, rộng thuộc thôn Pác Moòng (nay là thôn Quảng Trung 1) để tưởng nhớ công lao của vua và các vị tướng.

Trước đây, đình được xây dựng bằng gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương theo kiểu chữ Nhất với diện tích 30 m2. Trải qua thời gian, đình đã bị đổ nát chỉ còn lại phần nền và móng. Những năm cuối thế kỷ XX, Nhân dân trong vùng đã gom góp tiền của xây dựng tạm một gian nhà nhỏ với diện tích 8 m2, mái lợp ngói để thờ. Năm 2021, UBND xã đã xin chủ trương từ cấp trên và kêu gọi xã hội hóa đóng góp từ Nhân dân, du khách thập phương xây mới lại toàn bộ gian chính của đình (tòa đại bái) có diện tích 112 m2 và các đồ thờ cúng khác với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND xã đã thành lập Ban Quản lý di tích đình Pác Moòng gồm 6 người, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; chỉ đạo bộ phận văn hóa – xã hội xây dựng các bài viết tuyên truyền giá trị của đình đăng tải trên trang thông tin điện tử của xã; chỉ đạo các trưởng thôn tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị di tích nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong công đồng. Cùng với đó, UBND xã cũng đề nghị đoàn thanh niên, các trường học trên địa bàn tham gia quét dọn xung quanh khuôn viên của đình mỗi tháng một lần; chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp cùng các cơ quan chức năng của UBND thành phố nghiên cứu, khảo sát, xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh. Tháng 1/2023, di tích đình Pác Moòng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 81/QĐ-UBND.

Cùng với việc trùng tu tôn tạo di tích, UBND xã cũng quan tâm tổ chức lễ hội truyền thống đình Pác Moòng vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, trò chơi, hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Đơn cử, Xuân Quý Mão 2023, lễ hội đình Pác Moòng đã thu hút hơn 5.000 lượt khách đến trẩy hội.

Bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Pác Moòng cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đình Pác Moòng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu di tích này trên các trang mạng xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn để nhiều người biết tới di tích hơn nữa. Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện các hạng mục phụ của di tích như: sân, bồn hoa, khuôn viên xung quanh đình…

Cùng với các điểm, khu di tích đang hiện hữu tại thành phố Lạng Sơn, đình Pác Moòng là ngôi đình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của cội nguồn, nơi giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy di tích này là việc làm cần thiết, thường xuyên, góp phần lưu giữ những giá trị cổ truyền trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/566597-bao-ton-di-tich-dinh-pac-moong-gop-phan-lan-toa-gia-tri-van-hoa-lich-su.html

  • Từ khóa