Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới: Việc khó cần có nhiều giải pháp

Thứ 2, 09.05.2022 | 08:54:15
792 lượt xem

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới là nhiệm vụ thường niên, rất quan trọng của các đơn vị. Thực tế cho thấy, đây là công việc nhiều khó khăn, vất vả bởi chiến sĩ mới từ môi trường bên ngoài vào quân đội rất bỡ ngỡ; để “biến” những thanh niên đang quen sống tự do, được gia đình chăm lo từ việc nhỏ trở thành quân nhân có đầy đủ phẩm chất, năng lực bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không hề đơn giản.

Làm thế nào để quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) đạt hiệu quả cao? Báo Quân đội nhân dân vừa tổ chức khảo sát, tìm hiểu tại một số đơn vị để tìm “đáp án”, nhằm nhân rộng những giải pháp, cách làm hiệu quả.

Bài 1: Công tác tư tưởng phải chủ động đi trước

“Khó nhất là nắm diễn biến tư tưởng của CSM”. Câu trả lời này chúng tôi nhận được nhiều nhất trong hơn 200 phiếu khảo sát, cũng như khi trực tiếp trao đổi với đội ngũ cán bộ từ cấp sư đoàn trở xuống tại các đơn vị đại diện khối quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng. Việc khó nhất này đã được nhiều đơn vị có cách giải quyết hiệu quả.

Chiến sĩ mới ngày càng sống khép kín, ít tâm sự

Hầu hết cán bộ từ cấp tiểu đội trở lên ở các đơn vị chúng tôi đến, như: Sư đoàn 3 (Quân khu 1); Sư đoàn 325 và Lữ đoàn Pháo binh 164 (Quân đoàn 2); một số đơn vị thuộc Quân đoàn 1, Quân đoàn 4, Quân khu 3, Quân khu 7; Vùng 4 Hải quân... đều bày tỏ trăn trở trước thực tế thanh niên nhập ngũ những năm gần đây tuy có vóc dáng và trình độ học vấn cao hơn trước, nhưng sức bền, khả năng chịu đựng yếu hơn do lúc ở nhà ít vận động, ít lao động chân tay; bên cạnh đó, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại di động thông minh để “lướt net”, tham gia mạng xã hội và chơi điện tử nhiều, dẫn đến thừa “sống ảo” nhưng thiếu kỹ năng sống thực, khả năng ứng xử và thực hành ngày càng yếu.

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới: Việc khó cần có nhiều giải pháp
 Cán bộ Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chăn màn. Ảnh: ANH SƠN

Đặc biệt, điều khiến đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện CSM lo lắng là, việc tiếp cận nhiều thông tin xấu độc, không đúng sự thật từ internet, cùng những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm của thanh niên nhập ngũ. Không ít CSM có hiện tượng trầm cảm, tự kỷ, tâm lý căng thẳng, lo âu thái quá và không chịu chia sẻ với ai... Thực tế trong toàn quân đã có một số trường hợp chiến sĩ trầm cảm, tự kỷ dẫn đến vi phạm kỷ luật, thậm chí xảy ra vụ việc rất đáng tiếc.

Đại tá Nguyễn Văn Lịch, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 3 (Quân khu 1) cho biết: “Ngày càng có nhiều CSM sống khép kín, ít bộc bạch, có lẽ do ảnh hưởng của việc xem ti vi, mạng xã hội, internet quá nhiều trong suốt thời gian ở nhà và ít tham gia sinh hoạt trong không gian văn hóa cộng đồng.

Không những thế, diễn biến tư tưởng, tâm lý của CSM rất nhanh, có khi buổi chiều vẫn nói cười vui vẻ nhưng đến tối đã buồn rầu, chán nản sau khi nhận được thư hoặc điện thoại từ người thân, hay đơn giản chỉ vì bị cấp trên, đồng đội phê bình, hoặc nhớ người yêu ở quê nhà... Vì thế, sư đoàn chỉ đạo các đơn vị phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý của CSM, đồng thời tạo môi trường dân chủ, cởi mở để bộ đội hòa mình vào cuộc sống quân ngũ".

Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quý I-2022 của Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu) nêu rõ: Một số đơn vị chưa chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng và điều kiện, hoàn cảnh gia đình của CSM; công tác quản lý, giáo dục, định hướng tư tưởng chưa chặt chẽ, thiếu chủ động và biện pháp phòng ngừa... Ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của một số quân nhân chưa nghiêm, toàn quân còn xảy ra một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Nhiều biện pháp nắm tâm tư, tình cảm bộ đội 

Nắm chắc tư tưởng, tình cảm, tâm lý của CSM là nội dung quan trọng hàng đầu và trước hết để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, huấn luyện. Đặc biệt, việc kịp thời phát hiện những diễn biến tư tưởng bất thường, những vướng mắc, tâm lý tiêu cực của CSM sẽ giúp đơn vị chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật và những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. 

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới: Việc khó cần có nhiều giải pháp
 Tổ 3 người sinh hoạt "Tâm tình đồng đội” tại Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 164 (Quân đoàn 2). Ảnh: DUY VĂN

“Kinh nghiệm ở đơn vị tôi là đội ngũ cán bộ, nhất là cấp đại đội, trung đội, tiểu đội phải nắm chắc hồ sơ lý lịch, hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ từ trước khi đón nhận về đơn vị. Với những chiến sĩ hoàn cảnh khó khăn, gia đình có chuyện buồn hoặc có mối quan hệ phức tạp thì cán bộ các cấp càng phải thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên; phân công cụ thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ưu tú gần gũi theo dõi, giúp đỡ.

Tổ 3 người và các chiến sĩ bảo vệ, quân nhân nòng cốt được giao nhiệm vụ chú ý quan sát phát hiện những biểu hiện bất thường của CSM, như có thái độ lo lắng, buồn phiền, không muốn tiếp xúc với đồng đội, huấn luyện và làm việc uể oải... để báo cáo ngay với chỉ huy có biện pháp gặp gỡ, tìm hiểu, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khắc phục tâm lý, tư tưởng tiêu cực”, Đại úy Nguyễn Văn May, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) bày tỏ.

Nêu ví dụ về việc kịp thời nắm diễn biến tư tưởng của CSM, Đại úy Vũ Tuấn Anh, Chính trị viên Đại đội 14, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 25, Quân khu 7) kể: “Sau khi tổ chức cho CSM gọi điện thoại trong ngày nghỉ, cán bộ các cấp cần chú ý quan sát để phát hiện ngay những biểu hiện bất thường, vì thông tin từ hậu phương ảnh hưởng lớn tới tư tưởng của bộ đội. Như vừa rồi ở đại đội tôi có chiến sĩ N.H.P. tỏ vẻ buồn phiền sau khi gọi điện. Trung đội trưởng phát hiện đã gần gũi, hỏi chuyện thì được biết người yêu của P. nói lời chia tay. Cán bộ trung đội, đại đội đã gặp gỡ, phân tích, động viên và sau vài ngày thì P. ổn định tư tưởng, yên tâm công tác”.

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới: Việc khó cần có nhiều giải pháp
 Giờ giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới Trung đoàn 4 (Sư đoàn 5, Quân khu 7). Ảnh: HOÀNG THÀNH

Tìm hiểu ở Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), chúng tôi được Thượng tá Phạm Hồng Doanh, Chính ủy sư đoàn chia sẻ: “Bên cạnh những biện pháp các đơn vị đều làm, như nắm chắc hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của chiến sĩ; phát huy hiệu quả tổ 3 người, đội ngũ chiến sĩ bảo vệ, dân vận; phối hợp chặt chẽ với gia đình chiến sĩ và địa phương; lập nhóm Zalo của cán bộ và gia đình quân nhân; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi, giúp đỡ CSM..., Sư đoàn 325 chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ trung đội, tiểu đội về kỹ năng, phương pháp nắm và giải quyết những vướng mắc về tư tưởng; quy định trung đội trưởng ngủ cùng phòng với CSM; tổ chức cho hội phụ nữ, đoàn thanh niên thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, trò chuyện với chiến sĩ, qua đó nắm bắt và động viên tư tưởng kịp thời, hiệu quả”.

Tại một số đơn vị thuộc Quân đoàn 2, chúng tôi thấy có cách làm hay trong nắm bắt tình hình tư tưởng chiến sĩ, đó là duy trì sinh hoạt "Tâm tình đồng đội” sau giờ ăn cơm chiều. Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 164 (Quân đoàn 2) kể: “Trước đây, thời gian sinh hoạt tổ 3 người chỉ 5 phút, nhưng quân đoàn thí điểm mô hình sinh hoạt "Tâm tình đồng đội” 15 phút để các chiến sĩ có thêm thời gian trao đổi, tâm sự với nhau, không chỉ về việc huấn luyện, rèn luyện, chấp hành nền nếp chính quy mà còn cả chuyện gia đình, tình yêu, tâm lý, sức khỏe...

Qua sinh hoạt "Tâm tình đồng đội” và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ 3 người đã giúp đơn vị kịp thời nắm bắt tâm tư, những khó khăn, vướng mắc của bộ đội để giải quyết. Điểm cần chú ý là phải lựa chọn, phân công tổ 3 người hợp lý, có chiến sĩ nòng cốt, uy tín, bảo đảm tổ 3 người không chỉ sinh hoạt cởi mở, thực sự bổ ích mà còn luôn đoàn kết, chân thành giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ”.   

Cuốn “cẩm nang” và biện pháp chủ động phòng ngừa

Đến Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1), chúng tôi rất ấn tượng khi được xem cuốn “Cẩm nang dành cho tiểu đội trưởng” do Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn triển khai làm, nhằm phổ biến những kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy chiến sĩ của tiểu đội trưởng. Cuốn sách nhỏ để được trong túi áo, gồm hai phần: Một số tình huống và cách xử trí của tiểu đội trưởng; hướng dẫn tiểu đội trưởng thực hành một số nhiệm vụ.

Đọc “cẩm nang”, tiểu đội trưởng được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các nội dung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, cách thức giải quyết công việc trên từng mặt công tác; nhiều nhất là những biện pháp, cách thức để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng và giải quyết những vấn đề về tư tưởng của chiến sĩ. Đặc biệt, 30 tình huống thường gặp và cách xử trí rất thiết thực và hiệu quả, như: Tiểu đội trưởng làm gì khi chiến sĩ bị người yêu chia tay?; cách xử trí khi bố mẹ của chiến sĩ bất hòa, ly hôn; cần làm gì khi thấy chiến sĩ có biểu hiện buồn chán, trầm tư?...

Trung sĩ Lê Khắc Kiên, Tiểu đội trưởng ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, cho biết: “Cuốn cẩm nang giúp các tiểu đội trưởng rất nhiều trong công tác quản lý, chỉ huy tiểu đội. Để nắm chắc tư tưởng của CSM, tôi dùng nhiều biện pháp, cả trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là luôn sâu sát bám nắm chiến sĩ, thực sự gương mẫu, chân thành như một người anh, luôn quan tâm lắng nghe để các CSM tin cậy, sẵn sàng tâm sự những băn khoăn, vướng mắc, từ đó báo cáo cấp trên có biện pháp giải quyết kịp thời”.

Quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới: Việc khó cần có nhiều giải pháp
 Sinh hoạt "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" ở Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1). Ảnh: DUY MINH

Theo Thượng tá Lê Huỳnh Quang, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312, cuốn “Cẩm nang dành cho tiểu đội trưởng” đang được sư đoàn triển khai nhân rộng. Với phương châm công tác quản lý tư tưởng phải luôn đi trước, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, chỉ huy cấp phân đội thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, định hướng những tư tưởng và hành động đúng đắn; kịp thời cảnh báo để bộ đội không mắc phải sai trái, tiêu cực.

Ví dụ, hằng năm, riêng Phòng Chính trị sư đoàn làm hàng chục video tuyên truyền và báo cáo chuyên đề có tác dụng cảnh báo về những tệ nạn, vấn đề tiêu cực, những việc sai trái có thể xảy ra. Các đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ xem, nghe những video tuyên truyền và báo cáo chuyên đề này, rồi trao đổi, thảo luận để từ đó có nhận thức và hành động đúng.

“Thực tế cho thấy, đây là cách làm hay vì bộ đội được xem, được nghe những câu chuyện sinh động từ thực tế cuộc sống do cơ quan chính trị sưu tầm trên các báo, đài và do chính cơ quan chức năng cung cấp sẽ rất hấp dẫn, có sức thuyết phục cao. Công tác giáo dục, định hướng tư tưởng chủ động đi trước sẽ phòng ngừa hiệu quả những suy nghĩ, hành vi tiêu cực; khắc phục hiện tượng phải chạy theo giải quyết vụ việc kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, Thượng tá Lê Huỳnh Quang khẳng định.

Phương châm chủ động trong công tác tư tưởng cũng được nhiều đơn vị chú trọng thực hiện, như tại Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) có mô hình "5 chủ động trong công tác tư tưởng", gồm: Chủ động giáo dục, định hướng; chủ động dự báo; chủ động nắm; chủ động giải quyết và chủ động xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh. 

Việc kịp thời nắm diễn biến, giải quyết những vấn đề về tư tưởng, tâm lý của CSM đã khó, vậy phải làm gì để những thanh niên đang quen lối sống tự do khép mình vào nền nếp, kỷ luật quân đội, tự giác phấn đấu rèn luyện? Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.  


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-ly-huan-luyen-chien-si-moi-viec-kho-can-co-nhieu-giai-phap-693829

  • Từ khóa