Cách làm du lịch của người Dao

Thứ 4, 18.01.2023 | 08:45:46
905 lượt xem

Những năm gần đây, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có người Dao, đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, sự phát triển du lịch khu vực miền núi, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có môi trường sinh sống của cộng đồng người Dao, đang đặt ra nhiều điều cần được quan tâm.

Xây dựng sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương

Bản Tả Phìn là ngôi làng của người Dao đỏ, nằm ẩn mình trong một thung lũng đẹp, hoang sơ tại xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Đây là nơi sinh sống của người Dao đỏ và Mông, trong đó, người Dao chiếm tỷ lệ đa số và có những nét văn hóa độc đáo, như: Nhà ở, làng nghề truyền thống, tắm lá thuốc, lễ hội, tu viện cổ...

Dẫn chúng tôi đi tham quan Tả Phìn, ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn và là Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa-doanh nghiệp cộng đồng của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn cho biết, dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách hậu Covid-19, các hộ làm du lịch cộng đồng ở Tả Phìn đã nhanh chóng điều chỉnh hình thức kinh doanh, tạo ra những sản phẩm du lịch, các hình thức trải nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Cách làm du lịch của người Dao
Bà con dân tộc Dao đỏ, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) giới thiệu tới du khách sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương. Ảnh: NGUYỄN ĐẠT

Sản phẩm du lịch tại các điểm đến phải có sự kết hợp giữa những điểm du lịch truyền thống với du lịch cộng đồng, có các chương trình lễ hội văn hóa ẩm thực địa phương... “Dịch Covid-19 xảy ra gây cho xã hội rất nhiều trở ngại, nhất là những ảnh hưởng về sức khỏe của con người. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thì việc được nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe, thư giãn, phục hồi là một trong những nhu cầu mà du khách chắc chắn muốn hướng tới. Do đó, những sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khỏe là cơ hội để cộng đồng người Dao ở Tả Phìn phát triển, nhất là trải nghiệm các sản phẩm từ nghề thuốc truyền thống”, ông Lý Láo Lở cho hay.

Cùng với sản phẩm du lịch đặc trưng kể trên, theo ông Lý Phù Chìu, Trưởng thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng nhà cộng đồng phục vụ các hoạt động văn hóa của người dân và du khách. Địa phương cũng hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống của người Dao đỏ, như: Dệt thổ cẩm, làm rèn, chạm bạc, làm trống... Nhờ việc phát triển du lịch mà nhiều loại ẩm thực của địa phương trở thành món ăn ưa thích tại các nhà hàng; các hoạt động văn hóa dân gian thông qua nghi lễ, lễ hội đầu xuân và chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, khai thác phục vụ khách du lịch.

Cộng đồng người Dao quần trắng đã định cư lâu đời ở vùng lòng hồ Thác Bà, điển hình là thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao quần trắng gắn với phát triển du lịch bền vững ở Ngòi Tu đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con địa phương, tạo thế phát triển cho du lịch toàn tỉnh.

Anh Tướng Văn Bội, một trong những gia đình làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở Ngòi Tu, cho biết: "Công nghệ đã giúp nhiều người trên khắp thế giới biết đến Ngòi Tu với rất nhiều sản phẩm đặc trưng. Đó chính là cách mà người dân ở Ngòi Tu tận dụng tốt sự phát triển của công nghệ để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương".

Cần kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lào Cai đã xác định rất rõ chiến lược phát triển du lịch trong những năm tới, tuy nhiên, là người trực tiếp ở cơ sở, ông Lý Phù Chìu cũng có không ít trăn trở, suy tư. Theo ông Chìu, sự phát triển các hoạt động du lịch thời gian qua đã tác động không nhỏ đến môi trường, không gian sống và các luật tục, hệ giá trị văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở Tả Phìn.

Vì vậy, để vừa phát triển du lịch, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa là vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi người dân quan tâm hơn. Ví như, lễ cúng Miếu của người Dao đỏ được tổ chức hằng năm vào ngày 1-1 (âm lịch) và ngày Thìn tháng 4 và tháng 5 (âm lịch). Lễ diễn ra sau khi ruộng được cấy và phải kiêng 7 ngày mới cho người lạ vào bản. Tuy nhiên, nếu không đổi mới phương thức cúng lễ thì sẽ không thu hút được du khách. Do đó, chính quyền địa phương đã cho thầy cúng làm lễ xin phép thần linh không kiêng việc này nữa để khuyến khích các hoạt động du lịch tại địa phương. Tức là có thể tổ chức lễ cúng phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách...

Cùng với đó, những năm gần đây, nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Dao quần trắng ở Ngòi Tu được truyền dạy để phục vụ khách du lịch. Nhưng việc thương mại hóa nghệ thuật trình diễn dân gian dùng trong nghi lễ để phục vụ du khách đã và đang làm mất dần những giá trị đích thực bởi sự pha tạp, hoặc lai căng với nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc khác.

Bảo tồn, gìn giữ và khai thác giá trị của di sản văn hóa trong mối quan hệ phát triển du lịch bền vững luôn là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo PGS, TS Phạm Trung Lương, Viện Du lịch bền vững Việt Nam (ART Vietnam): Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2022 đã tái khẳng định một trong những quan điểm chính của phát triển du lịch Việt Nam là “chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Điều này khẳng định chiến lược phát triển du lịch luôn gắn liền với hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, trong thực tế ở Việt Nam, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần thiết phải nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là của các cấp quản lý, về mối quan hệ hữu cơ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản dân tộc gắn với phát triển du lịch; có cơ chế cụ thể để tạo nguồn cho công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc từ hoạt động phát triển du lịch...


Hà Vương/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/cach-lam-du-lich-cua-nguoi-dao-716837

  • Từ khóa