Dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản

Thứ 2, 07.11.2022 | 08:34:06
500 lượt xem

Ngày 6-11, Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) Nhật Bản tổ chức Lễ duyệt binh hạm đội quốc tế (International Fleet Review-IFR).

Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, Nhật Bản đăng cai tổ chức sự kiện này nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập MSDF. IFR năm nay đánh dấu sự tham dự trở lại của Hải quân Hàn Quốc sau 7 năm “đứt gánh”, như một dấu hiệu cho thấy sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước.

Kyodo News dẫn tuyên bố của MSDF cho hay, IFR năm nay có sự tham dự của 18 tàu hải quân từ 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada, Ấn Độ, Mỹ, cùng 6 máy bay chiến đấu của Pháp và Mỹ. Nơi diễn ra sự kiện là vịnh Sagami, ngoài khơi tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 40km về phía Đông Nam. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tới thị sát các tàu tham gia sự kiện. Sau lễ duyệt binh, các bên tham gia cuộc diễn tập đa quốc gia về những nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Dấu hiệu

Khu trục hạm đa năng Izumo của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản dẫn đầu tại Lễ duyệt binh hạm đội quốc tế ở vịnh Sagami, Kanagawa (Nhật Bản), ngày 6-11. Ảnh: Kyodo News

Quan hệ Seoul-Tokyo rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm tại nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Moon Jae- in, sau khi tòa án cấp cao nhất của Hàn Quốc ra phán quyết vào cuối năm 2018 rằng hai công ty lớn của Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc về những vấn đề xung quanh lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi nhậm chức hồi tháng 5, một trong những cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là thực hiện một cách tiếp cận mở hướng tới tương lai đối với Nhật Bản, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một mối quan hệ mang tính xây dựng với Hàn Quốc.

Trong bối cảnh trên, việc Hải quân Hàn Quốc cử tàu hỗ trợ hậu cần 10.000 tấn Soyang tham dự IFR và cuộc diễn tập chung sau đó, theo các nhà phân tích, là một tín hiệu cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Yoon nhằm làm ấm lên mối quan hệ Seoul-Tokyo vốn rơi vào trạng thái băng giá bấy lâu nay. Thông qua một đồng minh trung gian là Mỹ, hợp tác quốc phòng 3 bên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang được tích cực thúc đẩy, không chỉ qua IFR và qua cuộc diễn tập đa quốc gia lần này. Trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng trước, các quan chức quân sự cấp cao Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản đã nhất trí duy trì hợp tác và phối hợp an ninh song phương và đa phương hiệu quả, nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cũng tại cuộc gặp này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley đã tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ trong việc bảo vệ hai đồng minh Đông Á. Thực tế cũng cho thấy, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với hàng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tiếp của Bình Nhưỡng thời gian qua dường như càng thúc đẩy Seoul và Tokyo xích lại gần nhau.

Mới đây, cả Yonhap và Kyodo News cùng đưa tin, Seoul và Tokyo đang cân nhắc một cuộc gặp thượng đỉnh, khi Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida có thể gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia) giữa tháng này.

Hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác giữa Tokyo và Seoul cũng từng bước được thúc đẩy. Dịch vụ phà nối Fukuoka ở phía Tây Nam Nhật Bản với cảng Busan của Hàn Quốc đã hoạt động trở lại từ ngày 4-11, trở thành tuyến đường biển quốc tế thường xuyên đầu tiên mà Nhật Bản khởi động lại kể từ khi tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Trước đó, hồi tháng 6, hai bên cũng đã nối lại đường bay Seoul-Tokyo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân hai nước.

Dẫu vậy, việc “phá băng” trong quan hệ Seoul-Tokyo cũng không hề đơn giản. Bằng chứng là, với một cử chỉ thiện ý đầy “rón rén” khi chỉ cử một tàu hậu cần tham dự IFR lần này, chính quyền Tổng thống Yoon vẫn phải đối mặt với áp lực từ trong nước. Đã có những chỉ trích mạnh mẽ trên chính trường Hàn Quốc trước việc cử lực lượng hải quân tham dự IFR, với lý lẽ rằng các tàu hải quân Nhật Bản vẫn tiếp tục treo cờ "mặt trời mọc". Đây được cho là cờ của quân đội đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai và được xem rộng rãi ở Hàn Quốc như một biểu tượng của sự xâm lược.


HÀ PHƯƠNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/dau-hieu-tan-bang-trong-quan-he-han-quoc-nhat-ban-710219

  • Từ khóa