Hội nghị COP27: Đưa ra nhiều cam kết thiết thực

Thứ 6, 18.11.2022 | 15:05:26
565 lượt xem

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đang ghi nhận các sáng kiến, cam kết trong cuộc chiến khí hậu toàn cầu.

Reuters đưa tin, ngày 16-7, Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành hơn 1 tỷ euro để giúp các quốc gia ở châu Phi tăng cường khả năng chống chịu trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngoài ra, khối này cũng sẽ chi 60 triệu euro cho “tổn thất và thiệt hại” do BĐKH gây ra, vốn là một vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán tại COP27. “Đó chỉ là điểm khởi đầu”, Reuters dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans.

Ngoài ra, EU cũng ký một biên bản ghi nhớ với nước chủ nhà Ai Cập nhằm thiết lập quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hydro xanh và các chất dẫn xuất liên quan. Theo Reuters, đây là một phần trong nỗ lực của các bên nhằm bảo đảm ninh năng lượng bền vững với mức giá phù hợp để ứng phó với BĐKH.

Hội nghị COP27: Đưa ra nhiều cam kết thiết thực
 

Các đại biểu ký biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hydro xanh giữa EU và Ai Cập. Ảnh: Sada Elbalad

 

Lâu nay, châu Phi được coi là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất bởi lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán. Theo một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), mặc dù chỉ đóng góp một lượng nhỏ phát thải khí nhà kính, nhưng lục địa này phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH ở mức độ không cân xứng. Trong khi đợi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, nhiều quốc gia châu Phi cũng đã và đang tiến hành sửa đổi các kế hoạch khí hậu quốc gia và bổ sung những cam kết lớn hơn về thích ứng, giảm tác động.

Cùng ngày, AFP đưa tin Pháp và Tây Ban Nha đã quyết định tham gia nhóm Tuyên bố về phương tiện không phát thải (ZEVD), theo đó cam kết ngừng bán các loại phương tiện chạy bằng xăng từ năm 2035, tức là sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó. ZEVD nằm trong các nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế ít phát thải. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chia sẻ Berlin đang vận động để sớm chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải. Bà cảnh báo nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà các nước đã cam kết trong Hiệp định Paris về BĐKH ký năm 2015. Trong một tín hiệu tích cực, Bloomberg thống kê năm nay sẽ là năm kỷ lục về bán các phương tiện không phát thải, với việc xe điện chiếm 13,2% tổng doanh số trong nửa đầu năm.

Mặt khác, AFP dẫn phát biểu của Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 16-11 nhấn mạnh sẽ sớm chấm dứt tình trạng tàn phá rừng Amazon-“lá phổi xanh” của hành tinh, đưa đất nước Nam Mỹ trở lại trung tâm thảo luận về vấn đề môi trường và BĐKH. Nhà lãnh đạo cánh tả Brazil cho biết một liên minh giữa Brazil, Congo và Indonesia, 3 quốc gia sở hữu tới 52% diện tích rừng nhiệt đới trên Trái đất, cũng đang cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.    

Brazil từng được biết đến là một trong những quốc gia đa dạng sinh học quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vấn nạn phá rừng Amazon ở Brazil tiếp tục diễn biến hết sức nghiêm trọng. Theo CNN, số liệu sơ bộ từ Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho thấy gần 4.000km2 rừng Amazon ở Brazil đã bị tàn phá trong 6 tháng đầu năm 2022, lớn gấp 5 lần diện tích thành phố New York (Mỹ) và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, các nhà khoa học cũng cảnh báo khu rừng nhiệt đới quý giá này ít có khả năng phục hồi sau hạn hán, khai thác gỗ trái phép và cháy rừng.

COP27 đang trở thành niềm hy vọng lớn trong bối cảnh mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, đặt ra yêu cầu các nước cần sẵn sàng hợp tác ứng phó. Ngoài các cam kết song phương, dư luận sẽ còn mong chờ những cam kết đa phương sâu rộng, sẽ được thể hiện qua một thỏa thuận chung của hội nghị lần này. Hiện Liên hợp quốc đã công bố dự thảo đầu tiên về thỏa thuận nhằm tạo cơ sở cho những cuộc đàm phán của các bên.


VĂN HIẾU/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hoi-nghi-cop27-dua-ra-nhieu-cam-ket-thiet-thuc-711335

  • Từ khóa