Bước tiến mới về nữ quyền ở châu Âu

Thứ 6, 03.03.2023 | 09:25:39
521 lượt xem

Tòa án Tối cao Italia đã bầu bà Margherita Cassano làm người đứng đầu cơ quan này, thay ông Pietro Curzio nghỉ hưu. Việc bà Cassano đứng đầu Tòa án Tối cao đánh dấu bước tiến mới nhất về sự tham gia của phụ nữ trên chính trường Italia, mà cho đến gần đây, tỷ lệ nữ nghị sĩ của Italia chỉ là 31%.

Bà Margherita Cassano được bầu làm Chánh án Tòa án Tối cao Italia.


Việc Italia có nữ Chánh án Tòa án Tối cao đầu tiên trong lịch sử diễn ra sau khi đảng Dân chủ (PD) có nữ lãnh đạo đầu tiên. Bà Elly Schlein là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo phe đối lập của Italia, sau khi được bầu làm Chủ tịch Đảng PD theo đường lối trung tả hôm 26/2 vừa qua. Trước đó, bà Giorgia Meloni đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia sau khi lãnh đạo một liên minh cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9/2022.

Tại Đức, ngày 2/3, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock công bố các hướng dẫn chính sách đối ngoại nữ quyền mới nhằm bảo đảm tất cả mọi người “có quyền đại diện và tiếp cận các nguồn lực như nhau”. Chính sách tập trung vào việc xem xét và hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các quyết định đối ngoại, với mục tiêu là xóa bỏ nạn phân biệt đối xử, từ đó thúc đẩy xã hội ổn định hơn.

Bà nhấn mạnh chính sách đối ngoại nữ quyền xuyên suốt tất cả hành động chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến các biện pháp ổn định, sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa đối ngoại. Thời gian tới, Đức sẽ dành hơn 90% quỹ dự án mới cho các dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Chính sách đối ngoại nữ quyền do Chính phủ Thụy Điển khởi xướng năm 2014. Đến nay, khoảng hơn 30 quốc gia, trong đó có Chile, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, đã cam kết thực hiện. Động thái nêu trên của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được cho là đem đến động lực mới cho phong trào thúc đẩy chính sách đối ngoại nữ quyền.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/buoc-tien-moi-ve-nu-quyen-o-chau-au-post741259.html

  • Từ khóa