Cao Minh: Giữ tiếng sáo Mông mãi ngân vang

Thứ 7, 21.01.2023 | 19:09:39
1,133 lượt xem

Khi tiết trời vào xuân, cây cối đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc tiếng sáo cất lên âm vang, dìu dặt tại các bản Mông ở xã Cao Minh, huyện Tràng Định. Đối với người Mông nơi đây, cây sáo giống như bảo vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần của bà con.

Xã Cao Minh có 7 thôn với 136 hộ người Mông (chiếm 60% dân số toàn xã), trong đó, người Mông tập trung chủ yếu ở các thôn: Khuổi Làm, Khuổi Nặp, Khuổi Vang và Vàng Can. Người Mông ở Cao Minh chủ yếu thuộc nhóm người Mông đen với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Mông Đen

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm nhà anh Dương Văn Ngoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Làm, anh là một trong những người trẻ hiếm hoi trong vùng am hiểu cách chế tác những chiếc sáo Mông đạt chuẩn âm thanh truyền thống. Thoạt nhìn, cây sáo rất đơn giản cũng giống như sáo trúc bình thường, thân cây sáo có độ dài từ 45 đến 55 cm, trên thân khoét các lỗ thoát hơi với vị trí được tính toán phù hợp. Tiếp chúng tôi bên chén trà ấm, anh Ngoan chia sẻ: Nhìn đơn giản vậy, nhưng để làm cây sáo có âm thanh hay phải rất kỳ công. Trước tiên là khâu chọn nguyên liệu để có ống sáo như ý, người làm sáo phải lên núi để tìm những thân trúc tốt. Trúc tốt được chọn có thân thẳng, thịt dày, mềm dẻo để tạo sự đàn hồi khi sáo khô, như thế thanh âm sáo không bị vỡ. Điểm khác biệt của sáo Mông với sáo trúc là thông thường sáo Mông chỉ có 4 lỗ, ở một đầu ống sáo có gắn miếng gỗ chữ nhật bên trong được bọc vải và gắn chỉ màu trang trí. Miếng gỗ có tác dụng chỉnh âm, để khi hơi thổi sẽ rung lên, tạo ra những âm thanh uyển chuyển theo từng ngón tay miết trên các lỗ sáo.

Để bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ cuối năm 2020, anh Ngoan cùng một số người cao niên trong thôn đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa dân tộc Mông đen với hơn 10 thành viên. Hằng tháng, CLB sinh hoạt 2 lần. Tại đây, các thành viên được nghệ nhân dân gian, người cao niên ở xã truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, học cách chơi nhạc cụ truyền thống như thổi sáo, thổi khèn lá… Chị Tài Thị Hường, thuộc thế hệ 9x là thành viên CLB chia sẻ: Tôi rất thích tiếng sáo của đồng bào mình, nghe thân thương và gần gũi. Vì thế tôi vẫn tự tìm hiểu và tập thổi sáo để gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc mình.

Từ khi thành lập CLB, các thành viên đã mang tiếng sáo đi khắp nơi, giao lưu với các xã khác vào dịp lễ tết, tham gia các sự kiện ở trong và ngoài tỉnh tổ chức như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại Lai châu, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội… Khi CLB được thành lập, những người cao tuổi ở Cao Minh rất vui mừng và tâm huyết truyền dạy người trẻ kế tục điệu sáo Mông cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống khác của đồng bào Mông. Ông Dương Văn Chang, người cao niên ở xã cho biết: “Người Mông khi vui, khi buồn đều mang sáo ra thổi như gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng sáo. Vào mùa xuân hay những dịp lễ hội, tiếng sáo của người Mông vang vọng khắp núi rừng. Tiếng sáo được coi như là phần hồn, thấm sâu vào máu thịt của chúng tôi. Trước kia, dù đi đâu, con trai dân tộc Mông cũng luôn mang cây sáo bên mình như một vật dụng tùy thân. Chỉ cần các con, cháu đam mê và yêu thích thì tôi không ngại việc chỉ dạy”.

Ông Nông Quốc Cờ, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Cao Minh là xã có đặc thù là đông người Mông đen sinh sống nên chúng tôi rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tiếng sáo. Cụ thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy sự tín nhiệm của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc; đưa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mông vào nghị quyết Đảng bộ xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất lên UBND huyện phục dựng một số làn điệu dân ca, dân vũ, cách làm các nhạc cụ truyền thống như sáo, khèn lá… của người Mông.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, sự tâm huyết của người dân, tiếng sáo của người Mông ở Cao Minh được bảo tồn và giữ được những nét đặc thù, độc đáo, không hề lẫn với âm nhạc của bất cứ dân tộc nào. Cho dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao nhưng niềm đam mê tiếng sáo với những người Mông của người dân xã Cao Minh đã và đang góp phần tiếp sức cho tiếng sáo của người Mông mãi ngân vang.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/556580-cao-minh-giu-tieng-sao-mong-mai-ngan-vang.html

  • Từ khóa