Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận "vùi dập"

Thứ 2, 19.12.2022 | 09:56:42
906 lượt xem

Hơn 20 năm qua, cô Nga vẫn miệt mài dạy miễn phí cho những trẻ em tàn tật, tâm thần, HIV... Cô cầm tay dắt học trò của mình qua hố sâu mặc cảm, gieo nụ cười hạnh phúc và giúp các em biết ước mơ.

Để những học sinh "đặc biệt" được trở lại bình thường

Hơn 20 năm qua, lớp học đặc biệt của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (66 tuổi, ngụ ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã trở thành địa chỉ thân thương đối với những em nhỏ khuyết tật, câm, điếc, mắc bệnh Down, HIV… trong vùng. Trong lớp toàn những học sinh đặc biệt, vì vậy mà các em có sự đồng cảm cho nhau.

Lớp học đặc biệt cho những học sinh đặc biệt môi trường phù hợp để các em tương tác với nhau, học cách tương tác với xã hội, xóa bỏ đi sự tự ti, mặc cảm.

Cô Nga kể, ngày trước cô là một viên chức giáo dục, phụ trách công việc vận động xóa mù chữ ở địa phương. Hơn 20 năm công tác, cô luôn trăn trở khi gặp những em bé khuyết tật, bệnh Down không có điều kiện đến trường, mặc nhiên bị coi là sẽ mù chữ suốt đời.

"Ở môi trường giáo dục phổ thông, những em bé bệnh tật sẽ tự ti, mặc cảm trước khiếm khuyết và khả năng tiếp thu hạn chế của bản thân. Hơn nữa, nhà trường cũng không có môi trường phù hợp để những học sinh đặc biệt này học tập.

Các em bị bệnh tật thường do di truyền, vì vậy gia đình thường thuộc diện khó khăn, không có điều kiện quan tâm con cái. Suốt nhiều năm công tác, tôi rất đau xót khi gặp biết bao nhiêu cảnh những em bé vì bệnh tật mà không được đến trường.

Vì mặc cảm, các em dần thu mình lại, tự cách ly bản thân với xã hội. Tôi đã nghĩ rất nhiều trước khi thành lập nên lớp học tình thương này", cô Nga chia sẻ.

Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận vùi dập - 1

Hơn 20 năm cô Nga luôn tận tụy với những thế hệ học sinh của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Năm 1999, cô Nga có ý tưởng thành lập lớp học đặc biệt dành cho các em nhỏ khuyết tật. Ý tưởng được tất cả thành viên trong gia đình ủng hộ. Ý tưởng cũng được sự đồng thuận tuyệt đối từ cơ quan chức năng, cô Nga được mượn một căn phòng trong một trường cấp 1 ở TP Vĩnh Long để giảng dạy.

"Lớp học tình thương" được khai giảng cùng năm, tuy nhiên giai đoạn ban đầu hầu như mọi thứ đều không thuận lợi. Dù miễn học phí, cô Nga bỏ công đi vận động rất nhiều nhưng khóa đầu tiên chỉ có 16 phụ huynh cho con em đến lớp. Hầu hết phụ huynh không tin con em họ có thể đi học, thậm chí họ không tin con họ có thể tương tác xã hội.

"Có rất nhiều điều mình không lường hết được. Mấy em bị tâm thần nhẹ cùng ức chế lâu dài có thể đột ngột la hét, nổi nóng, thậm chí đánh bạn ngồi bên cạnh bất kỳ lúc nào. Rồi những em bị động kinh, đang bình thường đột ngột lên cơn ngã ra sàn.

Giai đoạn đầu rất khó khăn, bản thân tôi cũng phải thích nghi, không chỉ học dỗ dành mà còn phải học sơ cứu y tế, xoa dầu, đấm bóp cho học sinh nữa.

Rồi cách dạy, nội dung dạy mình cũng phải mò mẫm, thử rồi sửa chứ không theo được mẫu nào", cô Nga tâm sự.

Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận vùi dập - 2

Ngoài kiến thức, lớp học "tình thương" còn trang bị cho các học sinh khuyết tật kỹ năng sống, đặc biệt cho các em cảm nhận sự yêu thương (Ảnh: Nguyễn Cường).

Không ít đêm cô Nga đã thức trắng để "rút kinh nghiệm" cho chính mình. May mắn tình yêu trẻ đã đủ lớn để động viên cô kiên trì với ý tưởng.

Đối với những học sinh đặc biệt, cô Nga phải vừa dạy vừa "nịnh". Các em biết viết một chữ, biết làm một phép tính sẽ được một phần quà hay được tuyên dương trước lớp. Những em chưa làm được cô Nga cũng ân cần chỉ bảo từng li từng tí một.

Buổi học bắt đầu từ 7h, kết thúc vào 10h sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Không chỉ học kiến thức, những học sinh đặc biệt còn được cô Nga cho thực hiện các hoạt động vui chơi, ca hát, hội họa, thể dục để tạo thêm niềm vui, kích thích tinh thần.

"Trọng tâm là tôi muốn dạy các em tương tác xã hội, ứng xử trong cuộc sống, những kiến thức an toàn giao thông, vệ sinh thân thể để từ đó các em hòa nhập với cộng đồng, thậm chí có thể tự lo cho bản thân mình.

Tôi luôn tìm cách tạo niềm vui, tạo động lực tự thân để các em thích đến lớp, muốn được đi học. Ở lớp, các em sẽ có tâm thế mình là một phần của cộng đồng, được yêu thương và trân trọng.

Không ít em khi đến lớp mắc tâm thần nhẹ nhưng giờ đã trở lại bình thường, có em còn lập gia đình, mời cô đi ăn cưới.

Mục đích của tôi là mang lại niềm vui, những khoảnh khắc hạnh phúc cho học sinh, tôi rất vui khi mình làm được điều đó", cô Nga vui vẻ nói.

Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận vùi dập - 3

Đối với cô Nga, cuốn album ảnh lưu lại những khoảnh khắc của học trò là một kỷ vật thiêng liêng (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Lớp học tình thương" dần trở thành địa chỉ mà những phụ huynh có con em "đặc biệt" gửi gắm niềm tin. Hơn 20 năm, 20 thế hệ học sinh, hàng trăm em đã đến học và "tốt nghiệp". Lớp học đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của nhiều thế hệ học trò, thậm chí nhiều người nhất quyết không chịu ra trường.

Sau khi nghỉ hưu, cô Nga lấy số tiền ít ỏi dành dụm được cải tạo góc vườn, san nền, làm mái che, mua sắm học cụ rồi mở lớp tại nhà. Lớp duy trì sĩ số 45 học sinh, tuy nhiên thường có học sinh bị bệnh, cáo ốm nên mỗi ngày có khoảng 40 em góp mặt. Các em nhập học lúc 8 tuổi và học cho đến khi được "tốt nghiệp" thì thôi.

"Tôi thương các em, các em thương tôi, và cũng nhiều nhà hảo tâm thương, hỗ trợ cô trò chúng tôi lắm. Các em trong lớp thường nhận được quà từ rất nhiều đơn vị từ thiện, đó là động lực rất lớn để cô trò chúng tôi duy trì lớp học", cô Nga chia sẻ.

Bức tranh đặc biệt

Ngọc Trinh (20 tuổi, ngụ ở phường 8, TP Vĩnh Long) mắc tâm thần nhẹ, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số. Trước đây Trinh ở với bà nội, sáng nào em cũng đẩy xe lăn đưa bà đi bán vé số ngang qua lớp học của cô Nga.

Mỗi lần ngang qua, cô gái lại dừng lại, hướng ánh mắt vào lớp cho đến khi bị bà nội giục đi tiếp. Từ trong lớp, cô Nga cũng nhìn ra với ánh mắt cảm thông, trìu mến vô bờ.

Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận vùi dập - 4

Trinh khoe cô Nga bức tranh gần hoàn thiện (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cô Nga từng đến thuyết phục bà nội cho Trinh đi học tuy nhiên không được chấp nhận. Nếu Trinh đi học, bà nội không thể tự đi bán vé số, bà cháu sẽ không có tiền để lo cho cuộc sống.

Không chịu từ bỏ, cô Nga đã giới thiệu hoàn cảnh của Trinh đến báo chí để nhờ kêu gọi từ thiện. May mắn, mạnh thường quân đã cảm thông, hỗ trợ Trinh hơn 80 triệu đồng, nhờ đó mà hai bà cháu có điều kiện cải thiện cuộc sống, cô gái cũng được cho đi học.

Sau này bà nội mất, Trinh vẫn duy trì đến lớp đều đặn, buổi chiều em đi lượm ve chai để lo chi phí hàng ngày.

"Khi mới đến, Trinh hầu như không biết gì cả, không giao tiếp được, không phân biệt được màu sắc. Thế nhưng cô bé rất ngoan, chăm học, đặc biệt rất thích vẽ.

Sau nhiều năm chăm chỉ, đến nay Trinh đã có thể viết được rất đẹp, làm toán cấp 1 không bị sai. Đặc biệt cô bé đã biết nhận diện màu sắc để vẽ được những bức tranh ý nghĩa", cô Nga nói.

Lớp học gieo ước mơ cho những đứa trẻ bị số phận vùi dập - 5

Lớp học "tình thương" không chỉ là ước mơ của những trẻ em khuyết tật mà còn chính là ước mơ cả đời cô Nga theo đuổi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Một buổi chiều, cô Nga gom được một ít ve chai nên gọi Trinh đến lấy. Cô gái đến, mang theo bức tranh vẽ gần xong khiến cô Nga xúc động không nói nên lời.

Trong bức tranh, Trinh vẽ một cô bé đang đẩy xe lăn đưa bà đi bán vé số dừng lại ở phía bên kia đường. Nhìn sang bên này, một mái nhà nhỏ với dòng chữ "lớp học tình thương", có cô Nga và các bạn nhỏ.

Trinh kể, trước đây cô gái chỉ ước mơ được đến lớp nhưng không thể. Ngày được đi học là ngày vui nhất trong cuộc đời cô.

"Em muốn vẽ nhiều bức tranh về những điều em thấy, những gì em muốn. Ở lớp em được học rất nhiều, em có bạn, có cô, mọi người luôn vui vẻ.

Em muốn vẽ bức tranh này từ lâu rồi để tặng cho cô của mình, nhưng mãi mới vẽ được ưng ý", Trinh tâm sự.

Cũng giống như Trinh, rất nhiều em bé bị tâm thần, bị thiểu năng, khuyết tật sau khi đến với lớp học của cô Nga đã biết yêu đời và mơ ước.

Lãnh đạo phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết, cô Nga là tấm gương tiêu biểu, ròng rã gần 20 năm cống hiến, giúp cho nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không đòi hỏi điều gì. Hành động đẹp đó được địa phương, người dân rất trân trọng, tôn vinh và học tập.


Nguyễn Cường/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/lop-hoc-gieo-uoc-mo-cho-nhung-dua-tre-bi-so-phan-vui-dap-20221120070704625.htm

  • Từ khóa