Trả lời bạn xem truyền hình ngày 01/12/2020

Thứ 3, 01.12.2020 | 00:00:00
831 lượt xem

Câu 1. Ông Mai Văn Trường, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời: 

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/07/2016).

Theo đó, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự bao gồm:

1. Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.

13. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ.

14. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình.

15. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu.

16. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

17. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.


Câu 2. Ông Nguyễn Xuân Nam, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: trách nhiệm của chủ vật nuôi khi gây ra thiệt hại cho người khác được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: 

    1. Về trách nhiệm dân sự: 

Trách nhiệm đối với những thiệt hại do vật nuôi (súc vật) gây ra đã được quy định đầy đủ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra). Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khoẻ do súc vật gây ra.

  2. Về xử phạt: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ vật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

- Xử phạt hành chính

  Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP mức xử phạt hành vi này như sau:

 Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:  Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác

   3. Về trách nhiệm hình sự:

Trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại. Có hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Trường hợp thứ hai: Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội "Vô ý làm chết người". 

Theo đó, (1) người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; (2) phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.


Câu 3. Ông Nông Văn Hà, trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Cầm cố tài sản là gì? quyền và nghĩa vụ của các bên cầm cố tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Cầm cố tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên vay. Cụ thể, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi chung là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi chung là bên nhận cầm cố) nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Khái niệm này được quy định cụ thể tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015.

Hiệu lực của cầm cố tài sản

1. Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Nghĩa vụ của bên cầm cố

1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.

2. Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.

3. Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Quyền của bên cầm cố

1. Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận, do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

2. Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

3. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

4. Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố

1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

3. Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Quyền của bên nhận cầm cố

1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.

2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.

4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố./.

  • Từ khóa