Trả lời bạn xem truyền hình ngày 17/08/2021

Thứ 3, 17.08.2021 | 09:15:39
1,078 lượt xem

Câu 1. Ông Mã trung Hiếu, trú tại xã Thị Trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng hỏi: Việc xử lý hành vi từ chối xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Các hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm: Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm; Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Giám sát trung gian truyền bệnh.

Nơi người dân sinh sống bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hiểu là vùng có dịch (khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch).

Điều 21 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm như sau:

“1. Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.

2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.

3. Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh”.

Việc cơ quan y tế có thẩm quyền lấy mẫu xét nghiệm đối với những người ở vùng có dịch phát hiện sớm người có nguy cơ nhiễm bệnh để giám sát, nếu nhiễm bệnh thì tổ chức điều trị kịp thời. Thêm nữa, đó cũng là một trong những biện pháp để hạn chế tối đa, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Chính vì vậy, tuân thủ yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm là nghĩa vụ. Điều 8 của Luật này quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: 

“1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trườ/ng hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Vi phạm một trong những điều cấm nêu trên, không chấp hành biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

Theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi “Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” như trường hợp bạn thông tin sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Thậm chí, nếu làm lây lan dịch bệnh cho người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. 

Câu 2. Bà Trần Thị Minh, trú tại Phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Chồng tôi bỏ đi biệt tăm hơn 10 năm nay. Trước đây tôi đã đề nghị Tòa án nhân dân huyện thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và đã được Tòa án cấp quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú cho gia đình tôi. Nay, tôi muốn làm thủ tục tuyên bố chồng tôi mất tích thì tôi cần phải làm gì? Thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích như sau:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.”

Tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.”

Như vậy, để giải quyết yêu cầu tuyên bố chồng bà mất tích thì bà cần gửi đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm và bản sao quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng (theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 35 và điểm b, khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) để được xem xét giải quyết.

Về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định tại Điều 388, Điều 389 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:

“Điều 388. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích

1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.

2. Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại Điều 384 và Điều 385 của Bộ luật này. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

3. Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.”

“Điều 389. Quyết định tuyên bố một người mất tích

Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.” 

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua, chúng tôi có nhận được thư của ông Lương Xuân Thành trú tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Trong thư ông có phản ánh về việc bị mạo danh đăng ký thành lập Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Nam Sơn.

Đề nghị Ông khiếu nại trực tiếp đến giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Nam Sơn đề được giải quyết./.

  • Từ khóa