Trả lời bạn xem truyền hình ngày 12/07/2022

Thứ 3, 12.07.2022 | 10:59:52
754 lượt xem

Câu 1. Ông Đàm Văn Lâm, trú tại xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng hỏi: Trường hợp người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng hoặc người vợ có quyền được yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn không??

Trả lời: 

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn”. 

Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Để được Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự, vợ, chồng hoặc người thân thích, người có quyền lợi liên quan phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 378 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.  

Sau khi có quyết định tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định.

Hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn gồm:

- Đơn xin ly hôn.

- Giấy đăng kí kết hôn.

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân (có chứng thực).

- Các tài liệu chứng minh địa chỉ cư trú của các bên.

- Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

- Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu, sử dụng tài sản, nếu có tranh chấp về tài sản.

- Giấy đăng ký khai sinh của con chưa thành niên (nếu có)

Trường hợp bị đơn là người mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho bị đơn theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự. 

Khi giải quyết ly hôn, các quyền về nhân thân, quyền về tài sản của bị đơn là người bị mất năng lực hành vi dân sự phải được đảm bảo, không bị phân biệt đối xử. Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình (Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình).

Câu 2. Bà Hoàng Thị Kim, trú tại xã Chí Minh, huyện Tràng Định hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình?

          Trả lời:

          Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

       Trong đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân và gia đình như sau:

         1. Tảo hôn, tổ chức tảo hôn

 - Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

 - Duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

         2. Vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

          2.1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

          - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

          - Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

          - Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

         - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

         - Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

          2.2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

        - Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.

        - Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn.

        - Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

          - Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

       3. Vi phạm quy định về sinh con

       Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

4. Vi phạm quy định về nuôi con nuôi

4.1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

- Khai không đúng sự thật để đăng ký việc nuôi con nuôi.

- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

- Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong nước.

- Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi.

4.2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi

- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước.

4.3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

- Mua chuộc, ép buộc, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi khác trái pháp luật để có sự đồng ý của người có quyền đồng ý cho trẻ em làm con nuôi.

- Lợi dụng việc cho, nhận hoặc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 62.

- Lợi dụng việc nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động của con nuôi.

Câu 3. Bà Hoàng Thị Ný, thôn Cổ Lương, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc  hỏi: Cây chanh trồng trên đất ruộng có thuộc diện được bồi thường hay không?

Trả lời:  

Tại khoản 5 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 10/4/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định đơn giá cây trồng, vật nuôi áp dụng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn quy định như sau “Không xem xét bồi thường đối với việc tự ý trồng các loài cây lâm nghiệp, cây ăn quả và cây lâu năm, cây cảnh trên đất lúa nước. Trong những trường hợp cụ thể có thể xem xét hỗ trợ chi phí di chuyển thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng lập phương án trình thẩm định và phê duyệt theo phân cấp về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhưng chi phí di chuyển tối đa không quá 10% tổng giá trị được bồi thường, hỗ trợ theo quy định”.

Vì vậy, việc bồi thường, hỗ trợ trồng cây chanh trên đất lúa của trường hợp bà Hoàng Thị Ný là đúng quy định pháp luật.

Nhắn tin: 

          1. Ông Hoàng Hữu Bảo, trú tại thôn Quang Khao, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình phản ánh về việc ông bị chính quyền xã và kiểm lâm huyện xử phạt về hành vi hủy hoại rừng, trong khi các hộ khác hủy hoại rừng không bị phạt. Đài PTTH chuyển đơn của ông đến UBND huyện Lộc Bình xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa