Trả lời bạn xem truyền hình ngày 14/02/2023

Thứ 3, 14.02.2023 | 09:19:43
1,015 lượt xem

Câu 1. Ông Hoàng Văn Minh, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: việc xử lý đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm vỉa hè được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định rất rõ ràng và cụ thể về các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Cụ thể như sau: 

– Thứ nhất, đối với các hành vi buôn bán các loại hàng rong, hàng hóa nhỏ lẻ khác ngay trên lòng đường đô thị hoặc trên phần vỉa hè của các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, tổ chức có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

– Thứ hai, đối với hành vi sử dụng trái phép phần lòng đường đô thị, hè phố nhằm các mục đích sau đây: đặt, xây bục bệ; họp chợ; bày, bán hàng hóa; kinh doanh dịch vụ ăn uống; sửa chữa các phương tiện, máy móc, thiết bị; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; rửa xe; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ một số hành vi vi phạm khác theo quy định; Dựng lều quán, rạp, cổng ra vào, các loại tường rào, dựng các công trình khác một cách trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Chiếm dụng phần lòng đường đô thị hoặc chiếm dụng hè phố có tổng diện tích chiếm dụng dưới 05 m2 hoặc chiếm dụng những phần đường dành cho xe chạy hoặc chiếm dụng phần lề đường của đường ngoài đô thị có diện tích dưới 20 m2 để làm nơi trông xe, giữ xe, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng.

– Thứ ba, đối với hành vi chiếm dụng từ 05 m2 đến dưới 10 m2 đối với diện tích lòng đường đô thị, hè phố hoặc chiếm dụng từ 20 m2 trở lên đối với lề đường của đường ngoài đô thị, phần đường xe chạy để làm nơi trông, giữ xe; Bày, buôn bán các loại vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị hoặc tiến hành sản xuất, gia công hàng hóa trên diện tích lòng đường đô thị, hè phố, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; tổ chức bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng .

– Thứ tư, mức phạt tiền đối với cá nhân từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng, đối với tổ chức từ 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng khi sử dụng diện tích từ 10m2 đến dưới 20m2 để làm nơi trông, giữ xe trên phần lòng đường đô thị hoặc hè phố.

– Thứ năm, khi có hành vi chiếm dụng diện tích từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe tại lòng đường đô thị hoặc hè phố, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng, đối với tổ chức thì từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng.


Câu 2. Ông Triệu Tiến Kim, trú tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập hỏi: hành vi xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi làm xê dịch, bôi bẩn và phá hủy biển báo giao thông có thể xử phạt như sau:

- Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự (Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình)

+ Có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tự ý xê dịch các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan tổ chức;

+ Có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức;

Đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm;

- Vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân, 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm hư hỏng, làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, tường bảo vệ, lan can phòng hộ, mốc chỉ giới;

Đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tùy vào tính chất của hành vi mà vi phạm có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017)

Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm khi phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;

+ Làm chết 3 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội;

+ Tái phạm nguy hiểm;

Đối với người chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm;

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm;

Ngoài ra tùy thuộc vào mục đích đối với hành vi xê dịch, bôi bẩn, phá hủy biển người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015)./.

  • Từ khóa