Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí

Thứ 2, 20.03.2023 | 14:51:39
878 lượt xem

Sau phiên đăng đàn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chiều nay Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.

Ông Trí sẽ đăng đàn để làm rõ các chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường rà soát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Trước đó, gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhóm vấn đề chất vấn, ông Lê Minh Trí cho biết giai đoạn 2021-2022, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thụ lý 299 nguồn tin về tội phạm; giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thụ lý điều tra 94 vụ/114 bị can; xử lý, giải quyết 76 vụ/97 bị can, đạt gần 81%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí - 1

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí (Ảnh: Quốc hội).

Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành kiểm sát, theo ông Trí, năm sau tốt hơn năm trước, hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Tỷ lệ oan, sai cũng giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. 

Ông Lê Minh Trí cho biết VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ như trong quá trình giải quyết các vụ án như AIC Đồng Nai, Việt Á, VN Pharma. 

Cùng với đó, các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thẳng thắn nêu ra hạn chế như còn xảy ra một số trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố

Những khó khăn lớn của ngành kiểm sát cũng được Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ khi có đặc thù khối lượng công việc lớn nhưng ngành đang thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như cơ quan điều tra trong công an, quân đội.

Trong khi đó, yêu cầu về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, yêu cầu pháp luật về bảo vệ con người ngày càng cao, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định cán bộ có thể bị xử lý hình sự nếu để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. "Điều này càng tạo áp lực lớn đến tâm lý của kiểm sát viên, theo ông Trí.

Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, ông Trí cho biết ngành rất quan tâm đào tạo cán bộ trong từng khâu, lĩnh vực công tác được thông qua phân công giao việc theo hướng "chọn người theo yêu cầu công việc". Đặc biệt, ngành kiểm sát xác định mục tiêu khắc phục tính trì trệ, không để cán bộ ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác, nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-chat-van-vien-truong-vksnd-toi-cao-le-minh-tri-20230320073926030.htm

  • Từ khóa