"Quát mắng con quá nhiều, con nói tôi là người đáng sợ"

Thứ 4, 22.03.2023 | 08:35:03
755 lượt xem

"Tôi không đánh con nhưng quát tháo con rất nhiều mỗi ngày và giờ đây con tôi nhận xét là tôi quá đáng sợ", bà mẹ tâm sự.

Một bà mẹ chia sẻ: "Trước đây, tôi rất căng thẳng khi làm cha mẹ. Mặc dù tôi không bao giờ đánh con nhưng tôi thường xuyên quát mắng, cãi nhau với các con, đặc biệt là với con trai lớn của tôi (hiện 16 tuổi).

Trong thời gian gần đây, tôi đã cố gắng cư xử tích cực hơn một chút và tôi thấy mọi việc hiệu quả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, bây giờ tôi bắt đầu thực sự cảm thấy tội lỗi về cách mình đã cư xử. Tuần trước, con trai tôi nhận xét rằng tôi là người đáng sợ, nhất là so với chồng tôi. Lời nhận xét của con khiến tôi cảm thấy khá tệ. Tôi có nên lo lắng về lời nói của con hay không?".

Quát mắng con quá nhiều, con nói tôi là người đáng sợ - 1

Nhiều bà mẹ thường xuyên la mắng con cái (Ảnh minh họa: Deposit photos).

Với vấn đề này, tiến sĩ John Sharry, cây bút chuyên về vấn đề gia đình của báo Irish Times, chia sẻ: "Việc la mắng trẻ có gây ra các vấn đề lâu dài hay không là một câu hỏi phức tạp. Rất nhiều điều phụ thuộc vào hoàn cảnh từng cá nhân và bạn phải xem xét toàn bộ bầu không khí tình cảm trong gia đình.

Một số trẻ em lớn lên với cha mẹ có tính khí nóng nảy dẫn đến cãi vã thường xuyên. Tuy nhiên dù cãi vã nhưng mối quan hệ cha mẹ và con cái rất gắn kết và yêu thương nhau nên mọi người dễ dàng bỏ qua cho nhau sau những cuộc cãi cọ.

Ngoài ra, một số trẻ em lớn lên trong những ngôi nhà tương đối yên bình. Tuy nhiên có thể con trẻ lại cảm thấy cha mẹ mình lạnh lùng hoặc tiêu cực về mặt cảm xúc.

Ngoài ra, mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Trong khi một số trẻ rất nhạy cảm và coi tiếng la hét của cha mẹ là vấn đề nghiêm trọng thì một số trẻ lại bình tĩnh và "lạnh lùng" hơn nên ít bị ảnh hưởng hơn.

Tất nhiên, lý tưởng nhất là gia đình không có la hét và không có trao đổi tiêu cực, nhưng điều này hầu như không thể đạt được. Tất cả các mối quan hệ gia đình đều trải qua những giai đoạn căng thẳng và hầu hết các bậc cha mẹ đều nói rằng, họ từng quát tháo hoặc tỏ ra tiêu cực với con cái và ngược lại.

Về cơ bản, điều quan trọng là chất lượng tổng thể của mối quan hệ của bạn với con cái. Nếu bạn có một mối quan hệ tích cực, yêu thương và luôn gắn kết với con cái của bạn, thì các cuộc tranh cãi nho nhỏ, dù thường xuyên, cũng sẽ không gây vấn đề lớn.

Bạn đang đặt câu hỏi cụ thể là liệu bạn có thể xóa bỏ những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khi bạn la hét hoặc cư xử tồi tệ với con cái hay không. 

Nhìn chung, các mối quan hệ đều có thể thay đổi và phục hồi khá nhanh, đặc biệt khi bạn đã nhận thức được bản thân và sẵn sàng thay đổi. Hạnh phúc gia đình trong hiện tại được quyết định nhiều hơn bởi những trải nghiệm gần kề thay vì những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Nếu thời gian gần đây, gia đình bạn tràn ngập những trải nghiệm vui vẻ, cha mẹ và con cái có nhiều cuộc trò chuyện và luôn kết nối thì đây là chỉ báo tốt nhất về chất lượng mối quan hệ của bạn với con.

Bạn nhận thấy rằng cách tiếp cận tích cực của bạn trong thời gian gần đây đã bắt đầu giúp bạn trở nên tốt hơn với con trai mình, đó là một dấu hiệu tuyệt vời.

Tạo cơ hội trò chuyện

Thực ra khi con bạn nói rằng cậu bé coi bạn là "người đáng sợ" là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn và con đang được cải thiện. Điều này cho thấy rằng, bây giờ con bạn cảm thấy đủ tự do, thoải mái để chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về bố mẹ và bạn cũng đã sẵn sàng để lắng nghe.

Việc con bạn bắt đầu chia sẻ những cảm xúc này mang đến cho bạn cơ hội tuyệt vời để nói chuyện với con về quá khứ và thậm chí xin lỗi con về những gì đã xảy ra, cũng như chia sẻ với con cách tiếp cận tích cực mới của bạn.

Chọn thời điểm thích hợp, khi con thoải mái, cởi mở và nêu vấn đề với con. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói hài hước: "Con nói mẹ là người đáng sợ, hãy cho mẹ biết ý của con là gì?". Điều quan trọng là bạn cần tỏ ra, bạn không phòng thủ và cởi mở để lắng nghe.

Tự nhận thức

Tôi chứng kiến nhiều người trưởng thành không hạnh phúc với tuổi thơ của họ, vết thương lòng lớn nhất là việc cha mẹ họ phủ nhận hoặc không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra hoặc tệ hơn nữa là chủ động đổ lỗi cho họ về bất kỳ vấn đề nào trong gia đình.

Việc bạn tự nhận thức, sẵn sàng lắng nghe và có thể thay đổi cách hành động là một món quà tuyệt vời cho con trai bạn. Điều này cung cấp cơ sở để chữa lành bất kỳ trải nghiệm tiêu cực nào có thể đã xảy ra trong quá khứ.

Quản lý mức độ căng thẳng

Điều quan trọng là phải duy trì cách tiếp cận tích cực "không la hét" mặc dù điều này có thể là một thách thức. Bạn stress trong công việc thì bạn cũng có thể căng thẳng khi về nhà và đó là một trong những rào cản lớn nhất cho sự hòa thuận trong gia đình.

Khi bị căng thẳng, chúng ta dễ trở nên cáu kỉnh dẫn đến la hét khi cố gắng giải quyết xung đột gia đình. Điều này có thể trở thành một vòng luẩn quẩn, theo đó các cuộc tranh cãi leo thang làm gia tăng căng thẳng của bạn và có thể khiến bạn bị gia đình xa lánh.

Điều quan trọng là bạn phải tự nhận thức được mức độ căng thẳng của mình và nhận thấy những hồi chuông cảnh báo cho thấy rằng, bạn lại một lần nữa rơi vào cách giải quyết mọi việc theo hướng tiêu cực.

Lập danh sách các chiến lược mà bạn có thể sử dụng để giải quyết mâu thuẫn từ trong trứng nước (chẳng hạn như tạm dừng trò chuyện, bỏ ra ngoài một lúc, nhắc nhở bản thân suy nghĩ tích cực) cũng như ưu tiên tập thể dục, thư giãn và cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tự chăm sóc

Bước quan trọng để trở thành một bậc cha mẹ tích cực là chăm sóc bản thân và ưu tiên sức khỏe tinh thần của chính bạn cũng như của con cái bạn. Bạn càng cảm thấy được hỗ trợ và quan tâm với tư cách là cha mẹ, bạn càng có thể chăm sóc con cái của mình nhiều hơn.


Vĩnh Ngọc/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/quat-mang-con-qua-nhieu-con-noi-toi-la-nguoi-dang-so-20230321081328138.htm

  • Từ khóa