Dấu ấn sức trẻ nơi biên cương

Chủ nhật, 26.03.2023 | 00:00:00
757 lượt xem

Với vai trò là điểm nhấn trong Tháng Thanh niên năm 2023, chương trình "Tháng Ba biên giới" lần này được thiết kế theo ba nhóm nội dung trọng tâm, đã tiếp tục khơi gợi tình yêu Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, sự sáng tạo của tuổi trẻ, đặc biệt là trao truyền ngọn lửa nhiệt huyết, dũng cảm giữa các thế hệ thanh niên.


                       Công trình thanh niên
       Công trình thanh niên "Tuyến đường kiểm tra Cột mốc 1218" ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.


Tiếp nối truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông, những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và đoàn viên, thanh niên huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) luôn chú trọng phối hợp triển khai nhiều công trình, phần việc tuổi trẻ góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ biên giới.

Trao truyền ngọn lửa yêu nước giữa các thế hệ

Theo Trung tá Nguyễn Ðức Bính, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, các cán bộ, chiến sĩ của đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 16km với tổng cộng 49 cột mốc trên địa bàn các xã Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn (đều thuộc huyện Lộc Bình). Hệ thống đường tuần tra biên giới có nhiều đoạn dốc cao, lâu nay chưa được đầu tư xây dựng, hiện đã sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, thường trở nên trơn trượt khi trời mưa, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng biên phòng khi công tác.

Trong khuôn khổ Lễ phát động chương trình "Tháng Ba biên giới" năm 2023 cấp Trung ương, diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn, Ban tổ chức đã khánh thành công trình "Tuyến đường kiểm tra Cột mốc 1218", với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng nhiều ngày công lao động do đoàn viên, thanh niên địa phương góp sức thực hiện trong hơn hai tuần.

Dẫn chúng tôi đến thăm Cột mốc 1218 tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn, Ðoàn Thành Công cho biết: Trước đây, con đường lên Cột mốc 1218 cũng như nhiều con đường tuần tra khu vực biên giới chỉ là những lối mòn giữa rừng, hẻo lánh và rất nguy hiểm. Có một số đoạn bị sạt lở nghiêm trọng nhưng các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải băng qua. Vì vậy, cuối năm 2022, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã có thư ngỏ vận động các nguồn lực xã hội góp sức xây dựng đường tuần tra, bảo vệ biên giới kiên cố hơn. Hưởng ứng đợt vận động, tuổi trẻ Lạng Sơn đã xung kích kêu gọi các nguồn lực, đồng thời đóng góp nhiều ngày công để đổ bê-tông những con đường nơi cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm sải bước.

Là một trong những hoạt động mũi nhọn trong Tháng Thanh niên, vừa qua, chương trình "Tháng Ba biên giới" năm 2023 đã được Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động rộng rãi trong tuổi trẻ cả nước.

Quả thật, chỉ qua gần một giờ đồng hồ di chuyển vào địa điểm khánh thành tuyến đường mới dẫn đến Cột mốc 1218, chúng tôi đã phần nào cảm nhận rõ những khó khăn, vất vả ấy. Khoảng cách từ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma đến công trình chỉ hơn 4km và chúng tôi được ưu tiên ngồi xe gầm cao, nhưng những rãnh sâu, hố trũng sạt lở ngay cạnh miệng vực trên đường đã khiến nhiều người chỉ biết nhắm chặt cả hai mắt suốt hành trình.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Bình, Hà Thanh Tuấn, đây thực tế là tuyến đường đẹp nhất để đến với Cột mốc 1218 vì vẫn có thể sử dụng ô-tô. Có những lối mòn khác, đến xe máy cũng không thể di chuyển. Ðể xây dựng con đường tuần tra này, đoàn viên, thanh niên địa phương phải chuyền tay nhau từng xô vữa vào chân công trình. Vì vậy, con đường lên cột mốc chính là biểu tượng đặc biệt về tinh thần tình nguyện của đoàn viên, thanh niên vùng biên giới Lạng Sơn.

Sải bước trên con đường khang trang, vững chắc giữa núi rừng trùng điệp, Bí thư Ðoàn xã Mẫu Sơn, Triệu Văn Long nhớ lại: "Ðể hoàn thành công trình này, xã Mẫu Sơn đã huy động 15 đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Ði bộ tay không lên đây cũng đã mất tới 4-5 tiếng, vận chuyển nguyên vật liệu lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, với tinh thần xung kích, quyết tâm, chỉ trong hai ngày 27 và 28/2, chúng tôi và khoảng 30 đồng chí của các lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ địa phương đã hoàn thành công trình vượt tiến độ đề ra. Tôi thấy vô cùng tự hào, bởi 220m đường này đã thấm đẫm mồ hôi và dấu chân của những người trẻ".

Sau quãng đường trùng điệp núi non, công trình thanh niên "Tuyến đường kiểm tra Cột mốc 1218" hiện ra như một minh chứng cho tình quân dân thắm thiết, keo sơn. Công trình nổi bật với mầu trắng của bê-tông, nằm vắt ngang cánh rừng thông xanh rậm rì.

Là người thường xuyên có mặt trên những cung đường tại đây, Ðại úy Trần Văn Công (Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma) xúc động chia sẻ: "Trước kia, nơi đây hoàn toàn là đường rừng, cây cối mọc um tùm, lối đi lởm chởm sỏi đá. Mỗi khi mưa gió, đường trơn trượt và thậm chí có băng giá vào ngày rét, khiến công tác tuần tra trở nên vô cùng vất vả, gian nan. Chúng tôi thường mất cả ngày để di chuyển từ Cột mốc 1218 sang các cột mốc khác, nhưng hiện tại chỉ tốn một buổi thôi".

Bảo đảm an sinh xã hội vùng biên

Không chỉ phối hợp với lực lượng biên phòng trên địa bàn nhằm làm tốt vai trò của tuổi trẻ gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các cấp bộ Ðoàn, Hội còn luôn chủ động trong công tác tri ân người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân vùng biên. Những ngày đầu tháng 3/2023, các đoàn công tác của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tới thăm hỏi, tri ân, trao quà tặng nhiều người con Lạng Sơn ưu tú, từng không tiếc máu xương bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại.

Ông Lý Văn Thắng, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, trú tại thôn Cốc Nhãn (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình). Sau khi xuất ngũ, ông trở về với mảnh ruộng, con trâu bên hông căn nhà nhỏ lụp xụp bên triền núi cùng tấm Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Ông và vợ có với nhau bốn người con, trong đó có một người bị câm điếc bẩm sinh, một người gặp tai nạn chấn thương sọ não. Cuộc sống vất vả, nhưng vợ chồng, con cái ông đều là những người dân gương mẫu, là gia đình văn hóa của địa phương.

Ðoàn công tác cũng đã tới thăm gia đình Ðại tá Nông Văn Phiao, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, người lính dân tộc Nùng từng sát cánh cùng đồng đội, nhân dân quyết tử cho Tổ quốc, cố thủ Pháo đài Ðồng Ðăng. Sau này, ông được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy chương "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc", được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện, ông là thương binh hạng 4/4, đã nghỉ hưu và sức khỏe ngày một suy yếu sau một cơn bạo bệnh. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng tham gia giao lưu, gặp gỡ đoàn viên, thanh niên để thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương, đất nước, ý chí vượt khó rèn luyện để xây dựng Tổ quốc trong các bạn trẻ qua những câu chuyện lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc.

Vừa qua, Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Ðoàn) đã vận động nguồn lực xã hội, phối hợp các đơn vị liên quan khởi công xây dựng "Ngôi nhà hạnh phúc" tặng gia đình em Hoàng Thúy Hằng, dân tộc Tày, học sinh lớp 5A2 Trường tiểu học Khánh Xuân (xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình). Gia đình Thúy Hằng thuộc diện hộ nghèo, hằng năm địa phương luôn phải đặc biệt quan tâm hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm.

Bố Thúy Hằng vốn đau bệnh liên miên, đến năm 2018 thì mất. Lúc đó, em vừa vào lớp 1, còn anh trai cũng mới học lớp 4. Chị Hoàng Thị Oanh, mẹ Thúy Hằng, phải nhận làm mọi công việc để có thể trang trải cuộc sống, nuôi hai anh em ăn học. Làm phụ hồ được vài năm, chị mắc bệnh thoái hóa cột sống nên mất sức lao động, cách vài ngày hay trái gió trở trời là lại nằm liệt giường…

Ngày khởi công "Ngôi nhà hạnh phúc", nắm chặt bàn tay tiều tụy của người mẹ đang vì quá xúc động mà không kìm được nước mắt, Thúy Hằng rắn rỏi nói: "Em ước mơ sau này trở thành cô giáo, dạy chữ cho học sinh vùng cao, để thiếu nhi người dân tộc thiểu số có kiến thức, giúp gia đình, thôn xóm thoát nghèo".

Có mặt tại buổi lễ ở thôn Pò Là (xã Khánh Xuân), Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia Ðỗ Thị Kim Hoa chia sẻ với chúng tôi: "Ngôi nhà mới sẽ được xây dựng ngay trên nền căn nhà cũ với tổng kinh phí dự kiến 80 triệu đồng, có diện tích khoảng 50m2, gồm hai phòng ngủ, một phòng khách và một bếp ăn. Chính quyền, các đoàn thể tại địa phương sẽ hỗ trợ san lấp mặt bằng. Hiện tại, ô-tô vận tải chưa thể vào chân công trình, nhưng tôi tin rằng việc này sẽ được giải quyết với tinh thần xung kích, tình nguyện và sức sáng tạo của đoàn viên, thanh niên xã Khánh Xuân. Nếu thời tiết thuận lợi, "Ngôi nhà hạnh phúc" của gia đình em Thúy Hằng sẽ được khánh thành vào cuối năm 2023".


Linh Phan/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dau-an-suc-tre-noi-bien-cuong-post744733.html

  • Từ khóa