"Chỉ sợ lòng dân không yên"

Thứ 3, 28.03.2023 | 14:54:45
724 lượt xem

Trong di sản Hồ Chí Minh có những từ "sợ", "lòng dạ", "lòng dân", "lương tâm", "chính tâm", "niềm tin". Đáng chú ý nhất khi Người nói "chỉ sợ lòng dân không yên".

Có mấy trường hợp điển hình Bác nói đến những cụm từ trên. 

Thứ nhất, chuyện kể rằng sau Cách mạng Tháng Tám thành công, có cán bộ cao cấp hỏi Bác: "Thưa Bác, cách mạng thành công rồi, chính quyền về tay nhân dân, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Bác có điều gì sợ không ạ?". Bác trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Bác vẫn còn một điều sợ, đó là sợ các chú làm bậy, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, dẫn đến mất lòng tin của nhân dân".

Chỉ sợ lòng dân không yên - 1

Bác Hồ về thăm lại đồng bào Pắc Bó, Cao Bằng năm 1961 (Ảnh tư liệu).

Đối chiếu câu chuyện ở trên với những bài viết, bài nói của Bác ngay sau Cách mạng Tháng thành công nhận thấy rất logic, rất hợp lý. Đúng nửa tháng sau Tuyên ngôn độc lập, trong "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà", Người đã nói đến việc đề phòng hủ hóa, cán bộ lên mặt làm quan cách mạng, độc hành độc đoán, hoặc dĩ công dinh tư (lấy của chung làm của riêng), v.v.. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lung lay.

Trong bài "Sao cho được lòng dân" Người viết: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

Ngày 17/10/1945, trong bài "Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" đăng báo Cứu quốc, sau khi nêu thành tích nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ và rất được lòng dân, Bác chỉ ra sáu lầm lỗi rất nặng nề như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Những người mắc lỗi lầm đó tưởng mình là thần thánh, coi khinh dân gian, huênh hoang, khoác lác, kiêu ngạo, cử chỉ vác mặt "quan cách mạng", làm mất lòng tin cậy của dân, hại đến uy tín của Chính phủ.

Thứ hai, tháng 6/1949, trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính, khi bàn về chữ Liêm, Bác viết "cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". 

Thứ ba, tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong, Bác làm bài thơ có 4 câu: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên". 

Thứ tư, tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, Bác nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/ Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên". 

Thứ năm, tháng 6/1968, khi nêu ý kiến về làm và xuất bản loại sách "Người tốt việc tốt", Bác nói: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Một lần duy nhất khi trả lời một nhà báo nước ngoài của báo Frères D'armes, khi được hỏi: "Chủ tịch sợ gì nhất?", Bác trả lời: "Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì". Như vậy theo Bác, một người yêu nước, người cách mạng thì không sợ gì cả, chỉ sợ lòng dân không yên, vì lòng dân không yên, mất lòng dân là mất tất cả.

Xâu chuỗi những bài viết, bài nói của Bác liên quan tới những cụm từ trên cần nhận thức thấu đáo rằng Bác cho ta thấy sức mạnh của nhân dân gồm hệ thống một nguồn lực như tài dân, sức dân, của dân, quyền hành, lực lượng; khôn khéo, trí tuệ, thông minh, sáng tạo, hăng hái, anh hùng, dũng cảm, cần cù. Đó là sức mạnh chúng ta có thể nhìn thấy.

Còn một nguồn "sức mạnh mềm" tiềm ẩn bên trong có ý nghĩa nền tảng, động lực, tiền đề của những sức mạnh trên, đó là lòng tốt, lòng trung thành của nhân dân. Lòng dân là sức mạnh vô biên, vô địch, có ý nghĩa quyết định thành bại của cách mạng.

Bác viết "dân rất tốt". Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Cán bộ, đảng viên phải ghi tạc vào đầu cái chân lý ấy. Nếu cán bộ, đảng viên có tâm trong sáng, chính trực, biết nuôi dưỡng, vun bồi, khơi dậy lòng tốt của dân - tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng lòng tốt đó - thì dân sẽ ủng hộ, giúp đỡ ta.

Nói với Công an nhân dân, Bác chỉ rõ ta được lòng dân thì không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì không thể làm tốt công tác. Nói về Chính phủ lo phấn đấu cho lợi ích của nhân dân nên nhân dân hăng hái, hoàn toàn tin tưởng và nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ, Bác kết luận: "Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi".

Khi Bác nói "nước lấy dân làm gốc", "dân là gốc" cần được hiểu lõi cốt của gốc là lòng dân. Việc gì đúng với nguyện vọng và hợp lòng dân thì được quần chúng ủng hộ và hăng hái đấu tranh. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thành công hoàn toàn.

2. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay khi bước vào sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm đầu tiên là trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2021), nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Đảng ta trăn trở nhiều về hai chữ "lòng dân" bởi nó liên quan tới vận mệnh của Đảng, của Tổ quốc, dân tộc và chế độ. Ông viết: "Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả" (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80). Từ đó, ông nhấn mạnh: "Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm" (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Sđd, tr.116-117).

Gần đây, khi bàn về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, người đứng đầu Đảng ta suy nghĩ nhiều về các giải pháp thúc đẩy công cuộc đổi mới. Cùng với việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, ông nhấn mạnh hai nhân tố có ý nghĩa quyết định. Đó là cùng với việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đại hội XIII rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó bài học thứ hai có tinh thần, nội dung cốt lõi là lòng dân, sức dân, niềm tin của nhân dân. Đảng ta khẳng định: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".

Trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết Di chúc được coi như cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới (quốc bảo). Theo Bác, xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là một nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cho thấy chỉ có dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân, làm hợp lòng dân thì mới đi tới thắng lợi hoàn toàn.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chi-so-long-dan-khong-yen-20230328105200399.htm

  • Từ khóa