Chung tay bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Chủ nhật, 04.06.2023 | 09:13:07
670 lượt xem

Việt Nam là quốc gia biển, có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, sự gia tăng các ngành du lịch dịch vụ biển, khai thác khoáng sản và dầu khí, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhất là việc tập trung dân cư cũng như quá trình đô thị hóa nhanh tại các vùng ven biển đã, đang tạo nhiều áp lực đến môi trường biển, hải đảo ở nước ta hiện nay.

Đoàn viên, thanh niên và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh ra quân "Chiến dịch Hãy làm sạch biển năm 2023". (Ảnh THÀNH NAM)

Việt nam có chiều dài bờ biển hơn 3.260km, với vùng đặc quyền kinh tế hơn một triệu ki-lô-mét vuông và hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Đường bờ biển chạy theo hướng bắc-nam, nằm kề các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới; có những vũng, vịnh sâu kín gió, bờ biển dài có nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp...

Nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, với khoảng 11 nghìn loài sinh vật thủy sinh và 1.300 loài sinh vật trên đảo, trong đó có 110 loài cá kinh tế, hơn 2.500 loài động vật thân mềm, 600 loài rong biển. Trong các vùng biển và thềm lục địa ở nước ta, nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí đã xác định được với tổng trữ lượng khá lớn cùng với nhiều loại khoáng sản khác. Vùng biển Việt Nam còn là nơi có các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng như thủy triều, sóng và gió.

Với lợi thế nêu trên, không gian biển và hải đảo của Việt Nam cung cấp một nguồn tài nguyên to lớn cho sự phát triển của các ngành kinh tế như: Du lịch và dịch vụ; hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng thủy sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới. Đồng thời, có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế của đất nước.

Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng biển Việt Nam bình quân chiếm khoảng từ 47 đến 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển là khoảng từ 20 đến 22% tổng GDP cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, trong đó chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, dịch vụ cảng biển và du lịch.

Tuy nhiên, trong những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, nhất là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng giảm về chất lượng. Nhiều vùng sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị; tình trạng xả thải các chất chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tác động xấu đến môi trường biển. Ngoài ra, việc xảy ra, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu… thường để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, hệ sinh thái, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển quý hiếm đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (trong đó có 37 loài cá biển, sáu loài san hô, năm loài da gai, bốn loài tôm rồng, một loài sam, 21 loài ốc, sáu loài hai mảnh và ba loài mực…).

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và một số tổ chức quốc tế khác cho thấy, có khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác quản lý và kiểm soát môi trường biển ở nước ta thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, nhưng tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. Ngoài ra, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu trên biển và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Năm 2023, chủ đề của Ngày Đại dương thế giới (8/6) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Hành tinh đại dương - Thủy triều đang thay đổi". Tại nước ta trong dịp này Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6) có chủ đề "Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo".

Hưởng ứng các sự kiện nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; của tài nguyên, môi trường biển, đảo trong phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhấn chìm, xả nước thải vào môi trường biển… giám sát chặt các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo; bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông, từ các vùng canh tác nông nghiệp ven biển phải được tiến hành đồng thời với việc đẩy mạnh lập kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm vùng ven biển. Các ngành, địa phương cần coi trọng phát hiện, biểu dương và khen thưởng, vinh danh kịp thời các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.


KHÁNH HUY

https://nhandan.vn/chung-tay-bao-ve-moi-truong-bien-va-hai-dao-post756005.html

  • Từ khóa