Mỹ lộ điểm yếu khi viện trợ vũ khí thông minh tới Ukraine

Thứ 6, 10.05.2024 | 14:38:35
226 lượt xem

Chuyên gia nhận định vũ khí thông minh Mỹ gửi tới Ukraine hiệu quả nhưng tác chiến chưa như kỳ vọng vì khả năng gây nhiễu của Nga.

Mỹ lộ điểm yếu khi viện trợ vũ khí thông minh tới Ukraine - 1

Hệ thống HIMARS của Mỹ (Ảnh: Getty).

Tác chiến điện tử của Nga đã và đang gây ra nhiều vấn đề cho các vũ khí chính xác mà Mỹ gửi tới Ukraine. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy Mỹ vẫn có điểm yếu trong khả năng tác chiến điện tử và cần phải có các giải pháp để đối phó với đối thủ mạnh như Moscow trong tương lai.

Ukraine đã sử dụng các loại vũ khí chính xác của Mỹ, như rocket HIMARS và bom thông minh JDAM trong suốt cuộc chiến hơn 2 năm qua, nhưng các biện pháp gây nhiễu của Nga thường xuyên làm giảm hiệu quả của những vũ khí này.

Trung tướng Antonio Aguto, người đang giữ chức vụ chỉ huy Nhóm Hỗ trợ An ninh Ukraine, từng thừa nhận Mỹ gặp thách thức trước khả năng tác chiến điện tử của Nga và Washington đang nỗ lực tìm giải pháp.

Mark Cancian, một đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giải thích rằng việc Nga can thiệp vào hệ thống định vị GPS của Mỹ để làm lệch, vô hiệu vũ khí chính xác của Mỹ đã có hiệu quả.

Tác chiến điện tử có thể được thực hiện bằng công nghệ chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và cả 2 bên tham chiến đều đang sử dụng chúng rộng rãi, không chỉ để ngăn hỏa lực chính xác mà còn là UAV.

Tác chiến điện tử là một khái niệm rộng lớn, bao gồm nhiều kỹ thuật, như gây nhiễu, giả mạo thông tin mục tiêu. Gây nhiễu là tính năng đơn giản nhất khi thiết bị sẽ can thiệp vào tần số kết nối giữa vũ khí và hệ thống dẫn đường để chúng bị gián đoạn.

Giả mạo thông tin mục tiêu là kỹ thuật phức tạp hơn khi nó sẽ gửi hàng loạt vị trí giả tới hệ thống định vị của vũ khí, làm cho nó tấn công chệch mục tiêu.  

Nga trong nhiều năm qua được xem là cường quốc về tác chiến điện tử. Vì vậy, khi Mỹ gửi các vũ khí thông minh tới Ukraine, Nga thường sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí vài tuần để có thể thích nghi. Điều này khiến cho độ chính xác của những vũ khí này thường giảm dần theo thời gian.

Daniel Patt, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, tiết lộ rằng đạn pháo dẫn đường Excalibur 155mm "có tỷ lệ hiệu suất 70% khi bắn trúng mục tiêu khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine" nhưng "sau 6 tuần, hiệu suất giảm xuống chỉ còn 6% khi Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử để ứng phó".

Ông Patt nói thêm rằng "vũ khí mới thường chỉ đạt hiệu quả cao nhất vào khoảng hai tuần trước khi các biện pháp đối phó xuất hiện".

Ông Cancian cho biết Mỹ đang tăng cường nghiên cứu để xử lý các mối đe dọa bằng cách như sử dụng dải tín hiệu hẹp hơn hoặc tạo ra tín hiệu mạnh hơn có thể qua mặt được hệ thống gây nhiễu.

Tuy nhiên, Nga không đứng yên trong cuộc đua này khi họ liên tục cải tiến khả năng tác chiến điện tử. Đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng khi UAV đang tràn ngập các mặt trận và tác chiến điện tử được xem là biện pháp rẻ và hiệu quả nhất.

Tại một sự kiện truyền thông hồi đầu tháng này, Doug Bush, người đứng đầu bộ phận mua sắm của Quân đội Mỹ, cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga có thể gây nhiễu vũ khí của Mỹ.

Ông cho biết đây là một phần trong vòng lặp liên tục của cả hai bên, khiến 2 nước liên tục tìm ra các giải pháp để qua mặt và đánh chặn vũ khí của nhau.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/my-lo-diem-yeu-khi-vien-tro-vu-khi-thong-minh-toi-ukraine-20240510115549078.htm

  • Từ khóa