Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

Thứ 5, 29.04.2021 | 15:07:42
299 lượt xem

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, những năm gần đây, các cấp, ngành, trên địa bàn tỉnh đã vận động, định hướng, hỗ trợ người dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển, nâng cao chất lượng cây ăn quả. Theo đó, người dân đã dần thay đổi phương thức sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như: tỉa cành tạo tán, ghép cải tạo cây già cỗi; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thu hoạch na

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nam Hồng, thôn Hồng Vi, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, khoảng 3 năm trở lại đây, HTX đã tập trung phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2017, được tham gia lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức, HTX triển khai trồng và chăm sóc quýt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 17 ha. Việc chăm sóc theo quy trình, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… giúp cây ít sâu bệnh, chất lượng quả ngọt hơn. Do đó, hiệu quả nâng lên, trung bình mỗi cây đạt từ 40 đến 50 kg (tăng gấp đôi so với thời điểm chưa áp dụng các kỹ thuật chăm sóc theo quy trình); thu nhập các thành viên HTX luôn ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Sơn cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 1.600 ha cây ăn quả các loại. Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, từ năm 2017 trở lại đây, huyện tập trung hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có gần 200 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (gồm quýt và bưởi); xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn giúp nâng cao giá trị sản phầm quýt đặc trưng của huyện.

Không chỉ Bắc Sơn, hiện nay, việc phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững được các huyện, thành phố tập trung thực hiện. Hiện, toàn tỉnh có trên 17.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó đã có hơn 1.200 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Cùng với với việc thay đổi quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm như: tổ chức Ngày hội Na Chi Lăng và tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ Na Chi Lăng tại Hà Nội; Lễ hội quýt vàng Bắc Sơn; Hội thi hồng Vành khuyên huyện Văn Lãng; Ngày hội hoa quả tươi huyện Hữu Lũng… Ngoài ra, nhiều sản phẩm được hỗ trợ bao bì, tem nhãn đáp ứng nhu cầu thị trường (hồng, na, quýt). Một số sản phẩm quả tươi đã được các huyện, thành phố hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) như: Na Chi Lăng, hồng Vành khuyên, hồng Bảo Lâm… Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX, người dân quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện toàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: Vùng trồng na tại Hữu Lũng, Chi Lăng sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, giá trị đạt hơn 900 tỷ đồng/năm; vùng quýt tại Bắc Sơn, Tràng Định, Bình Gia sản lượng trên 5.000 tấn/năm, giá trị đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm; vùng hồng không hạt tập trung tại huyện Văn Lãng, Cao Lộc với sản lượng bình quân 5.500 tấn/năm, giá trị đạt trên 110 tỷ đồng/năm; vùng trồng bưởi tập trung tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng khoảng 6.000 tấn/năm, giá trị 60 tỷ/năm…

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân vay vốn tín dụng đầu tư mở rộng vùng trồng gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

Tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân từng bước nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới của tỉnh


KIM HUYÊN/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/kinh-te/418597-phat-trien-cay-an-qua-theo-huong-ben-vung.html

  • Từ khóa