Trả lời bạn xem truyền hình ngày 16/04/2024

Thứ 3, 16.04.2024 | 14:31:36
780 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Mã Văn Huy, trú tại xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc hỏi: tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quy định như thế nào?

Trả lời:

Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn; thủ tục công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín như sau:

Tiêu chí, đối tượng lựa chọn người có uy tín

- Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại các thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc;

- Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;

- Có khả năng tuyên truyền, vận động, nắm bắt, xử lý thông tin và quy tụ, tâp hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, cách ứng xử; được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

Điều kiện, số lượng lựa chọn, công nhận người có uy tín

- Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thôn của xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lựa chon, công nhận 01 (một) người có uy tín;

- Trường hợp thôn thành lập mới do sáp nhập các thôn, kể từ ngày 15/01/2024, thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được lựa chọn, công nhận nhưng không quá tổng số thôn được sáp nhập.

Thủ tục công nhận người có uy tín

Trưởng thôn tổ chức họp thôn (có sự tham gia của ít nhất 2/3 số hộ gia đình trong thôn) để phổ biến về nội dung chính sách, tiêu chí, điều kiện, số lượng và đề cử danh sách lựa chọn người có uy tín gửi Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn;

- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản họp liên tịch thôn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và lập hồ sơ gửi xin ý kiến của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận người có uy tín trên địa bàn huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.

Trình tự, thủ tục đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín

Khi xảy ra trường hợp cần đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín theo quy định trên, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn thống nhất với Chi ủy chi bộ và tổ chức họp liên tịch (có sự tham gia của đại diện Chi ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và đại diện hộ dân trong thôn), lập văn bản đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, lập văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ văn bản đề nghị kèm theo biên bản kiểm tra của xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, tổng hợp và lập hồ sơ (01 bộ gồm: Văn bản đề nghị kèm theo bản tổng hợp danh sách đề nghị đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín, gửi Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của huyện, Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh kiểm tra, rà soát và có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thống nhất của Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đưa ra khỏi danh sách và thay thế, bổ sung người có uy tín báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh) kết quả thực hiện để theo dõi, chỉ đạo.


Câu 2. Ông Lý Hồng Thi trú tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình hỏi: Theo quy định của pháp luật thì người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có được xuất cảnh không?

Trả lời

Cải tạo không giam giữ là buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định.

Tại Điều 100 Luật Thi hành án hình sự 2019 có quy định như sau:

1. Người chấp hành án có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 30 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian chấp hành án, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.

2. Người chấp hành án khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người chấp hành án khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người chấp hành án vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

3. Việc giải quyết trường hợp người chấp hành án thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc trong quân đội thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

4. Người chấp hành án không được xuất cảnh trong thời gian chấp hành án.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người đang phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì người đó không được phép xuất cảnh.

  • Từ khóa