CM Trả lời bạn xem truyền hình ngày 02/04/2024

Thứ 3, 02.04.2024 | 08:53:42
1,277 lượt xem

Câu 1. Ông Trần Hoàng Minh, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: thời gian thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Ngày 30/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh như sau:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 06 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 05 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 01 tháng.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 06 tháng.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 06 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện là 03 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 09 tháng.

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Căn cứ phạm vi hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và quy định nêu trên, cơ sở hướng dẫn thực hành xây dựng nội dung thực hành cụ thể đối với từng chức danh chuyên môn mà cơ sở dự kiến tổ chức hướng dẫn thực hành.

Cơ sở hướng dẫn thực hành có trách nhiệm bảo đảm người thực hành được làm việc theo chế độ làm việc của cơ sở. Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó. Việc bảo lưu kết quả thực hành thực hiện như sau:

+ Người thực hành có văn bản đề nghị bảo lưu kết quả thực hành và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh lý do đề nghị bảo lưu.

+ Căn cứ đề nghị của người thực hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định việc bảo lưu, trường hợp không đồng ý bảo lưu người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

+ Trong thời gian 30 ngày sau khi hết thời gian bảo lưu, nếu người thực hành không có văn bản đề nghị tiếp tục thực hành hoặc đề nghị gia hạn thời gian bảo lưu thì kết quả bảo lưu không còn giá trị, tổng thời gian của các lần bảo lưu không quá 12 tháng.


Câu 2. Ông Nông Văn Quý trú tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng hỏi: Các trường hợp nào bị đình chỉ hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Ngày 29/1/2023, Chỉnh phủ banh hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, nêu rõ về các trường hợp bị đình chỉ hoạt động tôn giáo như sau:

Cụ thể, theo Điều 12, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc nêu rõ, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo khi vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Khoản 4, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị cấm gồm:

- Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

- Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

- Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

- Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Khoản 5, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi cũng bị cấm.

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định căn cứ tính chất, mức độ vi phạm và khả năng khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ quan ra quyết định xác định thời hạn đình chỉ nhưng không quá 24 tháng.

Quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên tổ chức, người đại diện, trụ sở tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; nguyên nhân đình chỉ; thời hạn đình chỉ; trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc, bị đình chỉ.

Thẩm quyền đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh;

- Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh.

Trước khi ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định có trách nhiệm kiểm tra và kết luận về việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được ban hành, cơ quan Nhà nước ban hành quyết định phải giao quyết định cho các cơ quan, tổ chức sau đây:

- Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ;

- Tổ chức thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ;

- Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với quyết định đình chỉ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với quyết định đình chỉ do cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương ban hành.

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi nhận được quyết định đình chỉ phải dừng tất cả hoạt động tôn giáo và có trách nhiệm khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.

  • Từ khóa