Cần đưa giống mới vào trồng rừng gỗ lớn

Thứ 4, 03.11.2021 | 08:29:13
1,223 lượt xem

Để thực hiện mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn, nguồn giống cây lâm nghiệp là yếu tố đầu tiên quyết định năng suất, sản lượng gỗ. Nhận thấy điều này, Công ty Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc (nay là Công ty Cổ phần Giống cây lâm nghiệp vùng Đông Bắc) đã dày công tìm kiếm, tuyển chọn, khảo nghiệm thành công các loài giống cây gỗ lớn mọc nhanh trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc kiểm tra rừng cây gỗ lớn mọc nhanh tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn

Ông Hoàng Lê Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh đánh giá: Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cây gỗ lớn. Tuy nhiên, thực tế tiềm năng đó chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chu kỳ kinh doanh gỗ lớn kéo dài là lý do chủ yếu khiến người dân chưa mặn mà.

Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu trồng các loại cây bản địa như: keo, bạch đàn, thông…, chu kỳ khai thác tương đối ngắn, đường kính gỗ nhỏ. Các giống cây này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị nghề rừng và giải quyết được nhu cầu lâm sản trong những năm qua. Nhưng nhìn một cách tổng thể thì hướng phát triển này đã và đang bộc lộ những yếu tố không bền vững do thoái hoá, đất cằn cỗi và sâu bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng đã quan tâm đến trồng cây gỗ lớn như: lát, sưa… nhưng thực chất, những diện tích này rất manh mún.

Với mong muốn tìm giống gỗ lớn mọc nhanh mà hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng ở Lạng Sơn để phục vụ cho phát triển rừng gỗ lớn, năm 2001, Công ty Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trực tiếp là Cục Lâm nghiệp, Vụ Khoa học Kỹ thuật hỗ trợ thiết lập, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác của Trung Quốc để trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật và những kết quả nghiên cứu trong lâm nghiệp.

Theo đó, công ty được giới thiệu mô hình khảo nghiệm đề tài cấp Nhà nước về các giống cây gỗ lớn mọc nhanh khu vực Quảng Tây. Trong đó, có 3 loài cây có thể đáp ứng tiêu chí gỗ lớn mọc nhanh gồm: sồi đỏ, giổi bắc, mễ lao bài (tên Việt Nam là cây sau sau lào). Sau khi trao đổi, công ty được đối tác hỗ trợ mỗi loài 250 cây giống để khảo nghiệm, đánh giá và đem về trồng thực nghiệm tại xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn).

Sau 10 năm trồng khảo nghiệm đã cho thấy kết quả tích cực, những thông số cơ bản tăng trưởng rất khả quan, đáp ứng được các yêu cầu về cây gỗ lớn mọc nhanh như: các loài cây này chống chịu sâu bệnh tốt, không hại đất, thân cây cao tới 30 đến 40 m, gỗ cứng và nặng, mỗi năm, những loài cây này có tốc độ sinh trưởng trung bình từ 1,5 đến 2,5cm/năm. Như vậy, chu kỳ kinh doanh được rút ngắn lại chỉ còn từ 10 đến 12 năm (thân cây đã đạt từ 20 đến 25 cm tiêu chuẩn gỗ lớn), giá trị kinh tế gấp rất nhiều lần so với cây gỗ loại nhỏ dùng làm nguyên liệu. Do đó năm 2011, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đánh giá bước đầu kết quả trồng khảo nghiệm của công ty và đưa ra định hướng cho các đơn vị liên quan về việc phát triển trồng cây gỗ lớn tại Lạng Sơn. Nội dung trên đã được cụ thể hoá bằng Thông báo số 2053/TB-BNN-VP của Bộ NN & PTNT ngày 12/5/2011.

Mặc dù đã thấy được kết quả đó, nhưng 10 năm sau, những thành tựu này vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn. Ông Hoàng Lê Minh cho biết: Thực tế đã chứng minh, các loài gỗ lớn mọc nhanh trên rất phù hợp để phát triển cây gỗ lớn ở Lạng Sơn nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa áp dụng nhân giống để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng.

Hiện nay, khi nhu cầu gỗ lớn cho công nghiệp, dân dụng ngày càng tăng thì việc phát triển rừng gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu của xã hội là rất cấp thiết, trong khi Lạng Sơn được đánh giá là có nhiều triển vọng để phát triển cây gỗ lớn. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi các cấp, ngành cần có cơ chế, chính sách kết hợp hài hoà giữa khoanh nuôi tái sinh phát triển các loài cây bản địa và đưa tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp đã được khảo nghiệm vào sản xuất, thay thế những rừng trồng già cỗi, kém hiệu quả. Có như vậy, giá trị sản xuất mới được nâng cao, người dân làm giàu từ rừng và lâm nghiệp tỉnh mới có thể phát triển một cách bền vững và trở thành kinh tế thế mạnh.


HỒ DUNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/458790-can-dua-giong-moi-vao-trong-rung-go-lon.html


  • Từ khóa