Chú trọng giáo dục truyền thống 190 năm ngày thành lập tỉnh cho học sinh

Thứ 4, 03.11.2021 | 14:33:00
579 lượt xem

Hướng tới kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 – 4/11/2021), từ đầu năm học 2021 – 2022, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường lồng ghép giáo dục về truyền thống và tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.

Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 674 đơn vị trường học với trên 204.000 học sinh, THPT là 21.900 học sinh. Thời gian qua, hòa chung với không khí chào mừng kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, Sở GD&ĐT  đã yêu cầu các trường học tăng cường giáo dục, trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thực tế bước vào năm học mới, sau khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 được đảm bảo, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, từ tháng 9/2021 đến nay, 100% các trường từ cấp tiểu học đến THPT, tùy vào điều kiện thực tế đã tổ chức hoạt động ngoại khóa phù hợp như: tổ chức sân chơi qua mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” hay qua các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống văn hóa; tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các “địa chỉ đỏ” ở địa phương.

Tiêu biểu như sáng 17/10, Tổ Sử – Địa – Giáo dục công dân, nhóm Ngữ Văn Trường THPT Đồng Bành tổ chức hoạt động trải nghiệm về dạy học môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân cho các em học sinh khối 10 với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”; ngày 14/10/2021, Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc cũng đã tổ chức cho 240 học sinh, giáo viên đến tham quan, học tập ngoại khoá tìm hiểu về lịch sử địa phương tại Bảo tàng Lạng Sơn.

Cô Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ gắn với nội dung học tập trên lớp, nhất là những hoạt động thực tế, mang tính trải nghiệm, khuyến khích học sinh tự giác tìm hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương. Để học sinh hiểu và có cái nhìn chân thực nhất, nhà trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa tham quan tại Bảo tàng Lạng Sơn, giúp học sinh hiểu biết, từ đó phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo tìm hiểu, các hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương được các nhà trường vận dụng linh hoạt theo từng cấp học. Đối với các trường cấp mầm non, tiểu học, tuy chưa có tài liệu giáo dục lịch sử địa phương dành riêng cho cấp học này nhưng thay vào đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về: lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương. Còn cấp THCS và THPT, các trường hướng học sinh tìm hiểu 7 lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Trong đó, chú trọng tìm hiểu ngành nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh; một số nội dung về kinh tế – xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn giao thông …

Em Nông Quang Dũng, học sinh lớp 5A6, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ở trường học, trong các giờ học tiếng Việt, tự nhiên xã hội, em vẫn được nghe thầy, cô dạy về các sự kiện lịch sử, các chiến công của cha ông trên chính quê hương mình. Vừa qua, khi được đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh, nghe các hướng dẫn viên giới thiệu các hiện vật, giá trị văn hóa và kể chuyện về lịch sử của tỉnh nhà… giúp chúng em hiểu biết hơn và càng tự hào về quê hương mình.

Mặc dù quá trình đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương vào giảng dạy ở một số trường, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn, song với những hoạt động phong phú, thiết thực, các trường đang góp phần bồi đắp cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá của tỉnh nhà.


HOÀNG TÙNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/459066-chu-trong-giao-duc-truyen-thong-190-nam-ngay-thanh-lap-tinh-cho-hoc-sinh.html


  • Từ khóa