Israel siết chặt xuất khẩu các công nghệ an ninh mạng

Thứ 4, 08.12.2021 | 09:22:06
394 lượt xem

Israel đã ban hành những hướng dẫn mới được cho là có phần nghiêm ngặt hơn liên quan tới việc xuất khẩu các công nghệ an ninh mạng trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép lớn của dư luận về vấn đề này.

Reuters đưa tin ngày 7-12, trong bản hướng dẫn mới được cập nhật của Bộ Quốc phòng Israel, quốc gia nào muốn mua các công nghệ an ninh mạng của nước này sẽ phải ký cam kết chỉ sử dụng chúng cho mục đích ngăn chặn “một danh sách giới hạn các hành vi khủng bố và tội phạm nghiêm trọng”.

Theo đó, trong số những hành động được cho là “hành vi khủng bố” có việc tấn công con người, cơ sở công cộng, không tặc, tán phát các chất nguy hiểm trong khi “tội phạm nghiêm trọng” đề cập đến những hành vi có thể bị phạt tù từ 6 năm trở lên. “Các định nghĩa về tội phạm nghiêm trọng và hành vi khủng bố đã được làm rõ hơn để ngăn chặn việc xóa nhòa ranh giới giữa các khái niệm”, Bộ Quốc phòng Israel nêu rõ.

Theo Reuters, trong bản hướng dẫn mới, Bộ Quốc phòng Israel cũng chỉ ra các mục đích bị cấm khi sử dụng các công nghệ an ninh mạng của nước này như nhắm mục tiêu vào các nhân vật hay ứng dụng “liên quan đến chính trị mà vi phạm quy định về quyền riêng tư của quốc gia đó”. Trong trường hợp vi phạm như vậy, Israel có thể thu hồi giấy phép.

Israel siết chặt xuất khẩu các công nghệ an ninh mạng
Bên ngoài một chi nhánh của NSO Group ở miền Nam Israel. Ảnh: Reuters 

Reuters cho biết, Israel phải đối mặt với sức ép của dư luận về việc siết chặt các quy định xuất khẩu công nghệ an ninh mạng của mình kể từ sau vụ bê bối liên quan tới phần mềm Pegasus do công ty công nghệ NSO Group của nước này phát triển. Hồi tháng 7 vừa qua, kết quả của cuộc điều tra về một vụ rò rỉ dữ liệu do Forbidden Stories-một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris (Pháp) dẫn đầu cho thấy phần mềm Pegasus đã bị lạm dụng “một cách liên tục với quy mô lớn”.

Đây là phần mềm có khả năng xâm nhập vào các điện thoại thông minh (smartphone), cho phép trích xuất tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử (email), ghi âm các cuộc gọi và bí mật kích hoạt micro. Có hơn 1.000 người ở hơn 50 quốc gia được cho là nạn nhân của vụ việc, trong đó có ít nhất 65 giám đốc doanh nghiệp, 85 nhà hoạt động nhân quyền, 189 nhà báo và hơn 600 chính trị gia, kể cả một số nguyên thủ quốc gia.

NSO Group khẳng định chỉ bán các công nghệ của mình cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của một số chính phủ nhất định “vì một mục đích duy nhất là bảo vệ mạng sống người dân thông qua việc ngăn chặn tội phạm và các hành động khủng bố”. NSO Group cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra “mọi cáo buộc đáng tin cậy về việc lạm dụng phần mềm và có hành động phù hợp”.

Theo Reuters, NSO Group đã bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” sau vụ bê bối. NSO Group cũng phải đối mặt với chỉ trích và đơn kiện của nhiều hãng công nghệ lớn cáo buộc công ty này khiến khách hàng của họ “bị phơi nhiễm” với tấn công mạng.

Vụ bê bối liên quan tới phần mềm Pegasus được cho là nguyên nhân khiến Bộ Quốc phòng Israel quyết định ngừng bán các công nghệ an ninh mạng cho nhiều nước hồi tháng 11 vừa qua. Tờ Calcalist dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Israel cho biết, danh sách 102 quốc gia được mua các công nghệ an ninh mạng của Israel đã được rút xuống chỉ còn 37 nước, chủ yếu là Mỹ, Canada và các nước phương Tây.

Lĩnh vực an ninh mạng của Israel hiện mang lại doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm. Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố thực hiện “các bước đi phù hợp” khi các điều khoản sử dụng công nghệ an ninh mạng của nước này bị vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan này không xác nhận đã thu hồi bất kỳ giấy phép nào như vậy hay chưa.

HOÀNG VŨ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/israel-siet-chat-xuat-khau-cac-cong-nghe-an-ninh-mang-679805

  • Từ khóa