Việt Nam nỗ lực, quyết tâm cao trong việc bảo vệ quyền con người

Thứ 6, 10.12.2021 | 00:00:00
434 lượt xem

Ngày 10-12-1948, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (Tuyên ngôn nhân quyền). Từ đó, ngày 10-12 được LHQ lựa chọn là Ngày Nhân quyền thế giới. Năm nay, chủ đề của Ngày Nhân quyền thế giới được LHQ chọn là “Bình đẳng-Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền”.

Nhân Ngày Nhân quyền thế giới (10-12)

Thông qua chủ đề này, LHQ muốn phản ánh những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra, trong đó có tình trạng bất bình đẳng trong nhiều vấn đề liên quan, đồng thời kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh bảo vệ quyền con người, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch.

Theo đánh giá của LHQ, dù có một số dấu hiệu tích cực trong vài chục năm qua nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng về giới, khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao...

Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2021 ước tính, đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại).

Đại dịch Covid-19 còn chỉ ra sự bất công trong vấn đề phân phối và tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Báo The Straits Times cho hay, trong khi 64% dân số ở Bắc Mỹ và 62% dân số châu Âu được tiêm chủng đầy đủ thì ở châu Phi chỉ có 10,4% dân số được tiêm một mũi vaccine. Ở châu Á, tỷ lệ tiêm chủng dù đã bứt tốc nhưng vẫn ở mức thấp... Có thể nói, bất bình đẳng là “mảng tối” trong đại dịch và để xóa bỏ điều này, chính phủ mỗi nước cần có những chính sách, chủ trương hiệu quả, phù hợp.

Việt Nam nỗ lực, quyết tâm cao trong việc bảo vệ quyền con người
 Ảnh minh họa: TTXVN 

Cũng như nhiều nước trên thế giới, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân.

Tính đến ngày 9-12-2021, Việt Nam có tổng cộng 1.352.122 ca nhiễm với 1.036.393 ca đã được chữa khỏi (đạt khoảng 76,64% tỷ lệ chữa trị thành công). Trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư, dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo áp lực lớn đối với kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III-2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực dịch vụ, nhất là các ngành ngân hàng, du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập do phải giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng, chống dịch, song các quyền cơ bản của người dân vẫn được bảo đảm, trong đó có quyền tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, đồ dùng thiết yếu, quyền chăm sóc y tế, giáo dục trực tuyến. 

Ngoài dịch bệnh, Việt Nam còn phải ứng phó với nhiều thách thức khác, như biến đổi khí hậu, thiên tai và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.

Trong bối cảnh trên, Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020 và dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021.Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng đà phục hồi sau đợt dịch Covid-19 và từ lợi thế triển khai tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa hiệu quả của 14 hiệp định thương mại tự do đang triển khai với các đối tác.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tranh thủ những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển đến mô hình phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người dân thực hiện tốt hơn các quyền y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế và quyền tham gia xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền.

Một dấu ấn nữa của Việt Nam là bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 47 diễn ra tháng 7 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam chủ trì cùng Bangladesh và Philippines soạn thảo và đề xuất, trong đó chú trọng bảo đảm quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi.

Đặc biệt, trong năm 2021, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, qua đó thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với UPR nói riêng và việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.

“Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm rất cao trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ”, bà Tatiana Valovaya, Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) nhấn mạnh.

Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững.

Đây là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể”; đồng thời là động lực, mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid-19.

PHƯƠNG LINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-nam-no-luc-quyet-tam-cao-trong-viec-bao-ve-quyen-con-nguoi-679986

  • Từ khóa