Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: "Tiếp tục duy trì Thanh tra huyện là cần thiết"

Thứ 4, 07.09.2022 | 14:48:49
1,124 lượt xem

"Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện".

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 7/9, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Tiếp tục duy trì Thanh tra huyện là cần thiết - 1

Ông Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH).

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh ngay từ cơ sở.

"Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển"- ông Tùng cho hay.

Đối với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành, cũng không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới. Tuy nhiên, dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Về Thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo nhận thấy, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập là phù hợp, đề cao trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng "dàn đều" biên chế cho cơ quan thanh tra ở tất cả các sở.

"10-15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra"

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đại biểu tỉnh Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra; trong khi luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra trong 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. 

"Đây là yêu cầu của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức nhưng dự thảo luật bỏ quy định về thời hạn công khai. Việc sửa đổi có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan thanh tra nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra"- ông Cường nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Tiếp tục duy trì Thanh tra huyện là cần thiết - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Ảnh: QH).

Hơn nữa, theo ông Cường, việc sửa đổi trên còn ngược lại với quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, gây khó khăn cho các đối tượng phải thực hiện kết luận thanh tra.

Việc không quy định thời hạn công khai sẽ không rõ lúc nào kết luận được công khai, các cơ quan nhà nước có thể trì hoãn việc công khai. Thậm chí sẽ khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra vì kết luận có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai.

Từ phân tích đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10 - 15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra, tránh được sự can thiệp tác động vào kết luận sau khi ký.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, ban soạn thảo xem xét về sự cần thiết việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Đoàn thanh tra hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người ra quyết định thanh tra, người được giao thẩm định muốn có đủ cơ sở pháp lý, căn cứ thẩm định phải tiến hành kiểm tra, xác minh.

Theo đại biểu, về bản chất, việc thẩm định này cũng như cuộc thanh tra, như vậy cuộc thanh tra sẽ tiến hành 2 lần. Việc thẩm định phải có thời gian nhất định để thực hiện, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời hạn ban hành kết luận thanh tra.


Thế Kha/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-tiep-tuc-duy-tri-thanh-tra-huyen-la-can-thiet-20220907133112908.htm

  • Từ khóa