Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển - Bài 2: Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1933 – 1945)

Thứ 6, 19.05.2023 | 14:57:27
1,133 lượt xem

Từ chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục mở rộng, phát triển tổ chức Đảng ở các địa phương khác trong tỉnh. Điều này khiến Lạng Sơn trở thành địa phương có phong trào cách mạng phát triển sớm và vững mạnh ở biên giới Việt – Trung.

Tháng 8/1934, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị với đồng chí Lê Hồng Phong – Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, triệu tập và chủ trì cuộc họp với Chi bộ Thụy Hùng ở hang Áng Cúm. Sau khi đánh giá và nhận định sự phát triển của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn, nòng cốt là Chi bộ đảng Thụy Hùng gồm các đồng chí: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo, Mã Khánh Phương. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng phân công trực tiếp phụ trách Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn.

Phát triển phong trào cách mạng

Do có sự tổ chức và chỉ đạo tích cực của Ban Cán sự Đảng tỉnh, cuối năm 1934, tỉnh Lạng Sơn đã có 25 đảng viên. Đầu năm 1935, các cơ sở cách mạng ở Văn Uyên đã liên hệ, mở rộng địa bàn ảnh hưởng sang khu vực Thất Khê (Tràng Định), bước đầu tiếp nhận được một số quần chúng tích cực ở Thất Khê như: Bế Văn Bính, Mỗ Văn Hải…

Trên cơ sở địa bàn cách mạng được mở rộng, để tiếp tục bồi dưỡng, xây dựng hạt nhân cho phong trào, ngay từ đầu năm 1935, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn tổ chức vận động được nhiều quần chúng tích cực ở Văn Uyên, Thất Khê sang Long Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày do Ban Lãnh đạo Trung ương mở. Việc mở các lớp huấn luyện chính trị đã góp phần đào tạo được những cán bộ cách mạng trung kiên, sau này trở thành những lãnh đạo tiêu biểu cho phong trào cách mạng địa phương.

Từ giữa năm 1934, thực hiện nhiệm vụ xây dựng phong trào trên địa bàn vùng núi Cao – Bắc – Lạng do Trung ương chỉ đạo, Đảng bộ Cao Bằng đã phân công một số cán bộ, đảng viên tăng cường tuyên truyền vận động, tiến tới thành lập các cơ sở quần chúng cách mạng phía nam, trong đó có địa bàn Bắc Sơn (Lạng Sơn). Thông qua sự vận động giác ngộ bước đầu, đến cuối năm 1934, một số quần chúng tích cực ở Bắc Sơn bắt đầu tìm cách liên hệ tìm hiểu cách mạng.

Đầu năm 1935, Đường Văn Thông là quần chúng tích cực ở Bắc Sơn, đã liên hệ được với cơ sở Đảng ở Văn Uyên. Đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp bồi dưỡng, giác ngộ và giao nhiệm vụ cho Đường Văn Thông tuyên truyền, xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn. Với đường dây hoạt động bí mật, từ năm 1935, con đường cách mạng được khai thông từ Văn Uyên qua Thất Khê và từ Văn Uyên vào Bắc Sơn. Mạch nối cách mạng bắt đầu hình thành, mở ra khả năng phát triển rộng khắp phong trào cách mạng ở Lạng Sơn sau này. Ban Cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo kịp thời các cơ sở quần chúng cách mạng ở Văn Uyên thiết lập hệ thống trạm liên lạc bí mật từ Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Thanh tới Tân Yên, Thụy Hùng, Phú Xá… mở ra đường dây an toàn cho việc đi lại và hoạt động thường xuyên của các cán bộ Đảng. Được sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, trực tiếp là đồng chí Hoàng Văn Thụ, các cơ sở liên lạc bí mật đã góp phần tích cực trong việc đưa đón, bảo vệ an toàn cho Đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ năm 1936, dưới sự vận động, tổ chức của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng đã từng bước phát triển mạnh mẽ ở Bắc Sơn, Tràng Định đưa phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn bước sang một giai đoạn lịch sử: Đấu tranh thực hiện các mục tiêu dân sinh, dân chủ trong bối cảnh cách mạng mới.

Cuối tháng 7/1936, thông qua đồng chí Đường Văn Thông, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới châu Bắc Sơn để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Sau hai tháng gây dựng cơ sở cách mạng, ngày 25/9/1936, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở châu Bắc Sơn được thành lập tại Mỏ Tát, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn), cử đồng chí Đường Văn Thông làm Bí thư, các đảng viên: Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền).

Để tiếp tục xây dựng phong trào cách mạng, ngày 11/4/1938, dưới sự tổ chức của đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Tràng Định được thành lập tại thôn Nà Han, xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương), huyện Tràng Định gồm các đồng chí: Bế Văn Bính; Hoàng Kim Sơn, Hoàng Văn Cường, Hoàng Văn Bản, Mã Văn Ngân, Hoàng Váy Thao và Triệu Dín Nè, do đồng chí Bế Văn Bính làm Bí thư.


Học sinh Trường THCS xã Tri Phương, huyện Tràng Định hoạt động ngoại khoá tại di tích lịch sử hang Cốc Mười, thôn Nà Han, xã Tri Phương, huyện Tràng Định – Ảnh: Thu Hiền

Đấu tranh giành chính quyền

Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng – thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Đầu tháng 10/1940, Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đồng chí Trần Đăng Ninh về Bắc Sơn chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Sau khi kiểm tra, nắm tình hình, ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh đã triệu tập hội nghị với các đồng chí cán bộ, đảng viên cốt cán của Bắc Sơn ở Sa Khao – Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương) để bàn các biện pháp xây dựng phong trào cách mạng.

Thực hiện quyết định của Hội nghị, ngày 14/10/1940, chỉ huy khởi nghĩa tổ chức cuộc mít tinh, diễn thuyết tại Đan Úy, xã Vũ Lăng. Thay mặt Ban Chỉ huy, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố thành lập Đội du kích Bắc Sơn. Đến cuối tháng 10/1940, Đội du kích Bắc Sơn đã có 200 đội viên, tổ chức thành các tiểu đội du kích (mỗi tiểu đội 10 người), trang bị vũ khí toàn đội có 20 khẩu súng trường và 200 súng kíp. Với sự hoạt động tích cực của đội du kích, chỉ sau thời gian ngắn, phong trào đấu tranh bảo vệ căn cứ, tiễu trừ việt gian, phản động đã phát triển ra hầu hết các xã Hữu Vĩnh, Ngư Viễn, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên, Bắc Sơn, Nhất Hòa.

Đầu năm 1941, giữa lúc phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang trên đà phát triển, ngày 28/01/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 02/1941, đoàn đại biểu đi dự Hội nghị Trung ương 8 của Đảng tại Pác Bó, Cao Bằng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đã dừng chân ở lại khu rừng Khuổi Nọi, Vũ Lễ, Bắc Sơn để nắm tình hình và tổ chức họp với Đảng bộ Bắc Sơn. Ngày 14/02/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay mặt Trung ương Đảng thông báo việc Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định củng cố, phát triển và đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.

Ngày 23/02/1941, tại Khuổi Nọi, Vũ Lễ, Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chính thức được thành lập gồm 32 chiến sĩ: Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền), Lương Đình Sơn, Lâm Thành Sơn, Mã Viết Vinh, Nguyễn Văn Thái, Hoàng Văn Khằm, Hoàng Tài, Lâm, Nông Thái Long, Nhì Phung, Dương Công Bình, Hoàng Văn Hán, Mã Viết Thốn, Dương Quốc Vinh, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư (tức Đường Quảng Long), Hoàng Doãn Hoàng, Dương Thần Tần, Hoàng Đình Ruệ, Vẩn Sáng, Hắc Chấp, Hoàng Văn Thằng, Hoàng Doãn Tạo (tức Hà Khai Lạc), Bính, Nguyễn Văn Đắc, Bút, Hoàng Văn Thái, Bùi Sính, Nguyễn Văn Tiến. Đồng chí Lương Văn Tri – Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ được chỉ định làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó.


Cán bộ xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn giới thiệu một số hình ảnh về căn cứ địa Bắc Sơn tại di tích Khuổi Nọi – Ảnh: Vũ Như Phong

Dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, các cơ sở Việt Minh ở Lạng Sơn đã được tổ chức với nòng cốt là số đảng viên trung kiên còn lại sau thời gian khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp. Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển ở Bắc Sơn, Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Bình Gia. Các lớp huấn luyện tập trung của tỉnh lần lượt được tổ chức ở Khuổi Nghiều, Tà Lừa, Nà Chát, Khuổi Nhừ (Tràng Định), thu hút hàng trăm người tham gia. Đầu năm 1945, ảnh hưởng của phong trào Việt Minh đã lan tới các địa phương trong tỉnh như Điềm He, Bằng Mạc, Ôn Châu, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, liên Tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng và sự vận động, tổ chức tích cực của cứu quốc quân từ căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, các đội vũ trang tuyên truyền chiến đấu lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ở Hội Hoan (Thoát Lãng) có đội vũ trang do đồng chí Hoàng Văn Kiểu phụ trách, ở Thụy Hùng (Văn Uyên) có đội vũ trang do đồng chí Bế Chấn Hưng phụ trách, ở Chí Minh (Tràng Định) có đội vũ trang do đồng chí Tuân phụ trách, ở Bình Gia có đội vũ trang được thành lập ở Văn Mịch do đồng chí Hà Tân Cương và Hà Khai Lạc phụ trách. Sau khi được thành lập, các đội vũ trang này đã tự tổ chức mua sắm vũ khí, phục kích tước vũ khí của lính dõng trang bị cho mình, sẵn sàng phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng với sự ra đời của các đội vũ trang cách mạng, các căn cứ du kích cũng được thành lập ở Hội Hoan (Thoát Lãng), Chí Minh (Tràng Định), Văn Mịch (Bình Gia). Giữa các căn cứ đó có đường dây liên lạc với nhau, tạo thành hệ thống liên hoàn các căn cứ và liên hệ chặt chẽ với căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, một căn cứ địa do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo.

Từ ngày 16 đến ngày 17/4/1945, Đảng bộ Bắc Sơn chỉ đạo các đội vũ trang tổ chức tiêu diệt các đồn bốt của địch, làm hậu thuẫn vững chắc cho quần chúng nhân dân lần lượt giải phóng các xã Vũ Lễ, Vũ Lăng, Hưng Vũ, Bắc Sơn, Chiêu Vũ. Trên đà thắng lợi, ngày 18/4/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng tiến vào giải phóng châu lỵ, giải tán chính quyền địch, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi.

Ngày 19/4/1945, trung đội vũ trang tuyên truyền châu Bình Gia do đồng chí Hà Tân Cương chỉ huy phối hợp cùng đội vũ trang giải phóng do đồng chí Quốc Vinh chỉ huy từ Bắc Sơn sang, tiến công vào đồn Bình Gia và nhanh chóng làm chủ châu lỵ.

Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/6/1945, các đội vũ trang tuyên truyền từ Bình Gia, Bắc Sơn tiến về châu Bằng Mạc, phối hợp cùng với sự nổi dậy của quần chúng, tấn công đồn Vạn Linh, làm chủ châu lỵ, Bằng Mạc được hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng ở các xã được lần lượt thành lập.

Ngày 3/7/1945, đội vũ trang chiến đấu do đồng chí Hoàng Văn Kiểu trực tiếp chỉ huy sang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng cách mạng trong huyện Thoát Lãng, tiến công đánh chiếm đồn Điềm He, làm chủ châu lỵ Điềm He.

Ngày 19/8/1945, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), dưới sự chỉ đạo của Ban Việt Minh châu, được sự tăng cường của lực lượng vũ trang chủ lực của tỉnh, quần chúng cách mạng tấn công quân Nhật, làm chủ châu lỵ.

Ngày 21/8/1945, tại Thất Khê (Tràng Định), dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy tiến công, bao vây tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn Tràng Định.

Ngày 22/8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng ở Thoát Lãng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng.

Rạng sáng ngày 25/8/1945, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng ở các vùng lân cận bằng nhiều hướng đã tiến vào thị xã Lạng Sơn qua các ngả Bằng Mạc, Điềm He; nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, bao vây dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng Linh Quang Vọng phải đầu hàng. Ngay chiều hôm đó, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh trước nhà Chánh xứ cũ của Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính sách phong kiến, công bố Mười chính sách Mặt trận Việt Minh. Cùng ngày, dưới sự phát động trực tiếp của Ban Việt Minh Cao Lộc, cùng với sự tiến công của lực lượng vũ trang của tỉnh, quần chúng cách mạng ở Cao Lộc đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.

Từ tháng 10/1945, sau khi Uỷ ban nhân dân lâm thời của tỉnh được thành lập, tình hình cách mạng trong tỉnh có những chuyển biến rõ rệt. Hầu hết Ủy ban nhân dân các cấp được thành lập. Tháng 12/1945, Thành bộ Việt Minh tỉnh Lạng Sơn được thành lập do đồng chí Hà Văn Thư làm Chủ nhiệm.

Sau cách mạng tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai tới sớm nhất, hòng triển khai mưu đồ tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, lập nguỵ quyền tay sai của chúng.

Song song với việc ngăn chặn và đập tan âm mưu của quân Tưởng và bè lũ tay sai, ngày 6/1/1946, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/583198-dang-bo-tinh-lang-son-90-nam-xay-dung-va-phat-trien.html

  • Từ khóa