Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 7%

Thứ 6, 14.01.2022 | 09:26:05
749 lượt xem

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, Lạng Sơn đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng 6,67%, đứng thứ 15 cả nước và thứ 3 trong khu vực miền núi, trung du phía Bắc.

Bước sang năm 2022, dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh ấy, tỉnh vẫn quyết tâm đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 7-7,5%. Để làm rõ hơn về tính khả thi của mục tiêu này, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.


Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lạng Sơn – Ảnh: VŨ NHƯ PHONG

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí phân tích rõ hơn về GRDP của năm 2021?

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh: Trong bối cảnh khó khăn, năm 2021, GRDP của tỉnh vẫn tăng 6,67% so với năm 2020 là do sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự chung sức đồng lòng của người dân và khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó quan trọng nhất là Lạng Sơn đã thực hiện tốt chỉ đạo của trung ương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để phát triển kinh tế – xã hội.

Trong tăng trưởng GRDP năm 2021, khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng 9,31%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm vào GRDP. Khu vực này tăng cao là do sự chủ động của các doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp với tình hình thực tế và các chính sách hỗ trợ đã được các cấp, ngành của tỉnh triển khai kịp thời, có hiệu quả. Cùng đó trong năm 2021, tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp Hợp thành, huyện Cao Lộc; xem xét bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng và Cụm công nghiệp Đình Lập vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng; phối hợp triển khai lập quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập Khu công nghiệp Hữu Lũng. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung thực hiện quyết liệt, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Các công trình dự án hoàn thành góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, từng bước phát huy hiệu quả, tạo động lực thức đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư; đề án phát triển giao thông nông thôn tiếp tục được triển khai hiệu quả. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với khu vực dịch vụ, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thương mại nội địa vẫn được duy trì ổn định; các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục được duy trì trong khoảng an toàn. Nhờ đó hầu hết các ngành dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng khá so với năm trước. Năm 2021, khu vực này tăng trưởng 5,66%, đóng góp 2,79 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP.

Trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2021 sản xuất diễn ra khá thuận lợi. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các cây trồng có giá trị cao; khoa học và công nghệ tiếp tục được ứng dụng mạnh trong sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm; dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát; các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn…Chính vì lẽ đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 5,86%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

PV: Thưa đồng chí, với mức tăng trưởng khả quan như năm 2021, liệu có thể nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% trong năm 2022 là hoàn toàn thuận lợi?

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh: Về tăng trưởng, phải nhìn nhận thế này, năm 2020, GRDP của Lạng Sơn tăng trưởng thấp (trên 2% – PV), GRDP năm 2021 là tăng trưởng so với năm 2020. Có nghĩa là tăng so với mức thấp, còn năm 2022 sẽ phải tăng so với năm 2021, là tăng so với mức cao. Phân tích như thế để thấy rằng, để đạt mức tăng trưởng 7-7,5% trong năm 2022, chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn chứ không phải là đạt được một cách dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tất nhiên mục tiêu đưa ra phải có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn. Để rõ những cơ sở này phải phân tích dư địa tăng trưởng của từng khu vực trong năm 2022.


Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình thi công dự án trọng điểm công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B (tháng 12/2021). – Ảnh: CÔNG QUÂN

Trong năm 2022, khu vực công nghiệp – xây dựng, đặc biệt là khu vực xây dựng tiếp tục được nhận định là khu vực sẽ có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào GRDP. Lý do là trong năm 2022 dự kiến sẽ có nhiều dự án lớn khởi công như đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng; dự án khu du lịch Mẫu Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn từ Km18 đến Km80… Cùng với đó, sau hai năm tập trung bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản thì năm 2022, tỉnh sẽ dành nguồn lực để khởi công một số dự án lớn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025. Ngoài ra, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trong năm 2021 đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát và đề xuất các dự án đầu tư, vì vậy, năm 2022 dự kiến sẽ có thêm một số dự án lớn của các nhà đầu tư này được triển khai. Đây là những dư địa tăng trưởng của khu vực này.

Còn đối với khu vực dịch vụ, chúng ta không kỳ vọng nhiều vào du lịch, mặc dù vẫn còn dư địa phát triển du lịch nội tỉnh, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh sẽ khó đạt mức cao. Tuy nhiên, dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hoàn toàn có khả năng tăng cao, đặc biệt là các dịch vụ logictics bởi hiện nay nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Trong năm 2022, tỉnh phấn đấu đưa khu trung chuyển hàng hóa giai đoạn 1 vào hoạt động, đây là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu.

Cuối cùng là khu vực nông nghiệp, trong năm 2022, khu vực này còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Thứ nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo và chương trình theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội (Nghị quyết 88, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030) sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống người dân, tạo ra tăng trưởng.

Thứ hai là với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiện nay đang có khá nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư các dự án về lâm nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ví dụ như hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định 12 dự án phát triển cây macca với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng và một số dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, trong đó có dự án lớn với tổng vốn cũng khoảng 200 tỷ đồng. Cùng với đó là các mô hình sản xuất sẵn có, các vùng sản xuất tập trung đã hình thành đang tiếp tục phát triển…Những yếu tố này cũng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng mạnh.

PV: Thưa đồng chí, dư địa tăng trưởng đã được chỉ rõ, vậy thì giải pháp nào để biến những tiềm năng ấy thành hiện thực?

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh: Khi đã phân tích rõ và xác định các trục tăng trưởng, thì các cấp, ngành liên quan phải tập trung tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để có thể thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ như để thúc đẩy khối xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, thì phải tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Để thúc đẩy dịch vụ vận tải, logictics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, phải chủ động đàm phán, ngoại giao nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Còn để hiện thực hóa các dự án mà các nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, đơn vị liên quan phải làm tốt công tác thẩm định, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư…

Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời các cấp, các ngành phải quyết tâm cao, cụ thể hóa các chỉ đạo của tỉnh thành kế hoạch của cấp mình, ngành mình; thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 diễn ra mới đây, đó là: chủ động triển khai quyết liệt các mục tiêu nhiệm vụ ngay từ đầu năm.

Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cần tiếp tục năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2021, chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, thì năm 2022 này phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, có như vậy mới đạt được mức tăng trưởng đề ra, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!  


VŨ NHƯ PHONG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/474750-no-luc-phan-dau-dat-muc-tieu-tang-truong-tren-7.html

  • Từ khóa