Học là gì và ý nghĩa thật của kì thi?

Thứ 4, 21.04.2021 | 17:21:41
304 lượt xem

Trong chương trình "Đồng hành cùng con tuổi đến trường", TS Ernest Wong cho rằng, học sinh cần biết 3 điều quan trọng: Học là gì? Ý nghĩa thật của kì thi? Não bộ phát triển đến năm bao nhiêu tuổi?

Học là gì và ý nghĩa thật của kì thi? - 1

Chuyên gia giáo dục Ernest Wong cho rằng phụ huynh nên dạy cho con biết "Học là gì?"

Chuẩn bị tốt cho tương lai trong 22 năm đầu

Theo TS. Ernest Wong, chúng ta học làm một điều gì đó trước khi thực hiện nó. Nhưng các bậc phụ huynh cho con mình đến trường để học mà không dạy cho con biết "Học là gì?" trước.

"Học là việc ghi nhớ những kiến thức mới, một việc quan trọng nữa khi học đó là thi cử.

Thi không phải là kiểm tra kiến thức hay trí thông minh. Kì thi là bài kiểm tra về tốc độ, khả năng nhớ thông tin của chúng ta và cách chúng ta trả lời yêu cầu của bài thi.

Khi nhìn vào đề bài, nhiều học sinh không có cách nào trả lời được, bước ra khỏi phòng thi mới nhớ ra cách làm, đó là do tốc độ gợi nhớ thông tin chậm. Trước khi thi đã ôn tập và trả lời được hết đề cương, vào trong phòng thi viết lấy viết để nhưng cuối cùng kết quả không tốt do làm sai yêu cầu", thầy  Ernest chia sẻ.

Học là gì và ý nghĩa thật của kì thi? - 2

Bố mẹ luôn muốn các con chuẩn bị thật tốt cho cả cuộc đời của mình.

Theo TS. Ernest, hầu hết chúng ta đều sẽ đi học đến năm 22 tuổi. Nhưng bố mẹ muốn các con chuẩn bị thật tốt cho cả cuộc đời của mình chứ không phải muốn các con học.

Những bạn học sinh giỏi hàng đầu hiểu rằng, thông qua việc học, là chúng ta đang chuẩn thật tốt cho tương lai của mình trong 22 năm đầu tiên. Quá trình này có rất nhiều niềm vui để chúng ta tận hưởng.

Bạn trẻ Việt phải học tốt tiếng Việt trước

Thầy Ernest tư vấn, nếu như con của chúng ta dưới 12 tuổi, điều đầu tiên các con phải học tốt là tiếng Việt. Vì trước hết, tiếng Việt thể hiện mình mang quốc tịch gì.

"Tôi đã gặp nhiều học sinh nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng đến khi lên cấp 2 thì kết quả học tập không tốt. Lý do là các bạn học môn Ngữ Văn không tốt và nó ảnh hưởng đến tất cả những môn còn lại.

Hơn hết, chúng ta muốn các con thành công nhưng phải giữ được văn hóa và giá trị của Việt Nam. Đừng quên gốc rễ và văn hóa của mình.

Ghi nhớ các bài thơ, đọc những cuốn sách kinh điển của dân tộc còn quan trọng hơn cả. Vì nó dạy các con rất nhiều về trí tuệ cảm xúc, làm ơn hãy yêu tiếng Việt.

Sau tiếng Việt là tiếng Anh, ngôn ngữ chung nhất các con sử dụng khi hội nhập quốc tế. Khoảng 85% tài liệu, nghiên cứu mới chúng ta tìm thấy trên mạng được viết bằng tiếng Anh. Tiếng Anh sẽ giúp chúng ta thành công mang tầm quốc tế.

Sau tiếng Anh là Toán, vì Việt Nam sẽ phát triển theo xu hướng về trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin. Các bạn trẻ phải biết về lập trình cơ bản. Nhìn lại 20 năm qua, những tỉ phú trên thế giới phần lớn hoạt động xung quanh lĩnh vực công nghệ thông tin", TS. Ernest tư vấn.

Chuyện Nokia mất công ty và thị trường…

TS. Ernest cho rằng những kiến thức ở các lĩnh vực trên cùng với khả năng ghi nhớ sẽ giúp các con có thể nắm bắt gần như mọi thứ. Nhưng điều quan trọng nhất là phát triển phẩm chất và tính cách.

Thầy khám phá ra rằng, những kiến thức bên trên chỉ đóng góp 15% thành công, 85% còn lại nằm ở phẩm chất và tính cách của mỗi người.

Khi các con dưới 12 tuổi, bố mẹ có nhiệm vụ nhắc nhở con "hãy học chăm chỉ". Nhưng khi con 14 tuổi, nhắc nhở như vậy thì con sẽ không để tâm. Lúc đó các con đã hình thành tính cách, và tính cách ảnh hưởng đến lựa chọn cách học và nghề nghiệp.

Học là gì và ý nghĩa thật của kì thi? - 3

Theo TS. Ernest Wong, 85% thành công nằm ở phẩm chất và tính cách của mỗi người.

Bên cạnh phát triển phẩm chất là việc mở mang đầu óc để đón nhận kiến thức mới. Ông Ernest đưa ra ví dụ, nhiều năm trước, khi Nokia bắt buộc phải bán lại cho Microsoft.

CEO của Nokia nói rằng "Chúng tôi không làm gì sai, không biết vì sao chúng tôi mất công ty và thị trường...".

Sau đó các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề là Nokia đã dừng việc học hỏi, họ bỏ lỡ cơ hội thay đổi. Trong khi Samsung thời điểm đó đã chuyển sang công nghệ xem video trên điện thoại rồi, Nokia vẫn giữ nguyên mô hình cũ.

Do đó, TS. Ernest Wong lưu ý người học phải không ngừng cập nhật, học hỏi đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như sự chuyển đổi của thời đại.

"Hãy phát triển não bộ của mình cho đến năm 25 tuổi. Nếu không kích hoạt não bộ sẽ không làm được việc.

Theo nghiên cứu, não người chia thành 2 phần. Não trái có nhiệm vụ logic xử lý số liệu, não phải dùng để vận động suy nghĩ, tưởng tượng. Hãy học cách sử dụng 2 bên não để phát triển tối ưu khả năng của mình. Xem bản thân muốn phát triển bên nào của não bộ. Thiên tài là nhờ huấn luyện để có chứ không phải sinh ra đã có", ông Ernest nhắn nhủ.

Thành công nhỏ thì có thể tự tạo nên, nhưng để thành công lớn, chúng ta cần có một đội ngũ, và phải biết làm thế nào để phát triển hội nhóm.

"Các con của chúng ta đều có tố chất lãnh đạo, chỉ có điều chúng chưa biết cách để phát triển nó và phát triển mạng lưới cá nhân.

Cấp 3 và đại học là thời điểm tốt nhất để phát triển mạng lưới cá nhân. Với những trường đại học tốt hơn thì mạng lưới những người bạn ta gặp và hợp tác cũng tốt hơn. Tôi muốn các bạn tạo dựng mạng lưới với những người như vậy để xây dựng một đội nhóm mạnh", TS. Ernest gửi lời khuyên.


Quang Trường/Dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoc-la-gi-va-y-nghia-that-cua-ki-thi-20210421123119984.htm

  • Từ khóa