Những cách kỷ luật con trẻ mà không cần quát mắng

Thứ 3, 03.01.2023 | 14:38:52
791 lượt xem

Quát tháo, mắng mỏ con cái lớn tiếng là thói quen của nhiều bậc cha mẹ nhưng sự thật thì việc la mắng con không phải luôn luôn hữu dụng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quát mắng là một trong những "chiến lược kỷ luật" của cha mẹ có thể làm cho các vấn đề về hành vi của con cái trở nên tồi tệ hơn. Điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn đó là: Cha mẹ quát mắng dẫn đến con có hành vi xấu và sau đó cha mẹ lại phải la hét nhiều hơn.

Việc bố mẹ quát tháo con cái cũng mất hiệu quả theo thời gian. Một đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ la mắng sẽ bắt đầu nảy sinh tâm lý coi thường cha mẹ, không xem trọng vấn đề dù bị cha mẹ quát mắng.

Một vấn đề khác của việc quát mắng đó là nó không dạy trẻ cách kiểm soát hành vi của mình. Nếu một đứa trẻ chỉ bị quát mắng vì đánh anh chị em của mình, chúng sẽ không học được cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Dưới đây là những cách mà cha mẹ có thể kỷ luật con mà không cần "lớn tiếng":

Thiết lập các quy tắc rõ ràng

Bạn sẽ ít phải quát mắng con nếu bạn đã thiết lập các quy tắc rõ ràng trong gia đình. Việc bố mẹ lập một danh sách các quy tắc trong gia đình sẽ luôn hữu ích đối với cách ứng xử của con cái.

Khi các quy tắc bị phá vỡ, bạn hãy để cho con nhận hậu quả ngay lập tức.

Bản thân bố mẹ cũng nên cố gắng kiềm chế bản thân, chống lại thói quen cằn nhằn hoặc "giảng bài" con cái. Khi bạn không kiểm soát được "lời ăn tiếng nói", lời nói của bạn càng ít có khả năng dạy con bạn cư xử tốt hơn vào lần sau.

Nói cho con biết hậu quả

Bố mẹ nên giải thích trước cho con về những hậu quả tiêu cực của việc vi phạm các quy tắc. Khi con phạm sai lầm, có thể lấy đi các đặc quyền của con hoặc để cho con nhận hậu quả hợp lý và giúp con học hỏi từ hành vi sai lầm.

Ví dụ, bố mẹ có thể nói: "Nếu con không làm việc nhà trước bữa tối, con sẽ không được xem TV". Từ đó, con bạn có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho bản thân. 

Cha mẹ cũng nên xem xét hậu quả nào có khả năng hiệu quả nhất đối với con của mình. Hãy nhớ rằng những hậu quả bố mẹ đưa ra có thể phù hợp với đứa trẻ này nhưng không phù hợp với đứa trẻ khác.

Những cách kỷ luật con trẻ mà không cần quát mắng - 1

Bố mẹ quát mắng con thường xuyên cũng không có hiệu quả (Ảnh: Parenting Advice).

Hành xử tích cực

Bố mẹ nên khuyến khích con tuân theo các quy tắc bằng cách động viên, cư xử tích cực với con. Nếu con phải nhận hậu quả tiêu cực khi vi phạm các quy tắc, hãy đảm bảo rằng, bạn cho con thấy kết quả tích cực khi con tuân theo các quy tắc.

Hãy khen ngợi con bạn vì đã tuân theo các quy tắc. Bố mẹ có thể nói điều gì đó như: "Hôm nay, cảm ơn con đã dọn dẹp nhà cửa ngay khi từ trường về nhà. Bố mẹ đánh giá cao điều đó".

Dành cho con bạn những lời khen ngợi, động viên mang tính tích cực để giảm các hành vi tiêu cực của con. Bố mẹ nên thường xuyên thúc đẩy con tiếp tục làm tốt công việc của chúng. Nếu con bạn gặp khó khăn với một số công việc cụ thể thì việc bố mẹ kịp thời khen thưởng con có thể sẽ hữu ích.

Đưa ra cảnh báo thích hợp

Thay vì la mắng, hãy cảnh báo cho con bạn khi chúng không nghe lời. Khi bạn sử dụng cụm từ "Nếu... thì", nó sẽ cho con bạn biết về kết quả có thể xảy ra sau khi chúng tuân thủ quy tắc hoặc không tuân theo. 

Ví dụ, bạn có thể nói với con rằng: "Nếu con dọn nhanh đống đồ chơi này thì con có thể vào bàn ăn tối. Có món ăn con rất thích đang chờ con".

Quát mắng thường dẫn đến một cuộc "đấu tranh quyền lực" trong gia đình. Bạn càng quát mắng con nhiều, con bạn càng có khả năng chống đối.

Bố mẹ nên tránh cằn nhằn hoặc nói đi nói lại một vấn đề. Thay vào đó, hãy "nói là làm" để cho con bạn thấy rằng bạn có thói quen làm những gì bạn đã nói. Kỷ luật nhất quán là chìa khóa để giúp con bạn thay đổi hành vi và trở nên tuân thủ hơn.

Ví như khi con vi phạm quy định trong gia đình, bạn có thể tăng gấp đôi việc nhà cho con hoặc thu điện thoại của con trong một ngày. Những hậu quả đó sẽ hiệu quả hơn việc bạn lớn tiếng với con của mình.

Xem xét các lý do khiến bạn quát mắng con

Nếu bạn thấy mình thường xuyên la mắng con quá mức, hãy cố gắng tìm hiểu lý do tại sao bạn lại phản ứng theo cách này. Nếu bạn đang la hét vì tức giận, hãy học các cách để giúp bản thân bình tĩnh lại. Điều này cũng sẽ giúp bạn làm gương cho con về vấn đề kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Khi bạn quá tức giận với con và bạn có thể sắp quát mắng, thậm chí đánh con, hãy đi ra chỗ khác và đợi cho đến khi bạn bình tĩnh để kỷ luật con bạn.

Nếu bạn la hét vì con bạn không lắng nghe mỗi khi cha mẹ nói, hãy thử các chiến lược mới để thu hút và duy trì sự chú ý của con bạn.  

Cuối cùng, nếu bạn la hét vì bực tức, hãy lập một kế hoạch rõ ràng để giải quyết hành vi sai trái của trẻ. Thông thường, nhiều bậc cha mẹ khi tức giận sẽ quát mắng con bằng những lời đe dọa trống rỗng mà họ không bao giờ có kế hoạch "thực thi". Họ mắng chửi con chỉ đơn giản vì không biết phải làm gì khác.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhung-cach-ky-luat-con-tre-ma-khong-can-quat-mang-20221231140043102.htm

  • Từ khóa