Học cách chuyên nghiệp của người Tây

Chủ nhật, 13.08.2023 | 14:19:49
226 lượt xem

Sự chuyên nghiệp ở đây được định nghĩa là việc đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, bên ngoài cảm xúc cá nhân

Khi bắt đầu công việc mới ở Thụy Sĩ, sếp tôi chỉ định một người trong nhóm làm mentor để giúp tôi học hỏi và bắt kịp tiến độ công việc. Tôi mừng lắm, liền chủ động tạo dựng một mối quan hệ thân tình với mentor của mình. Tôi sẽ thực hành nguyên cuốn "Đắc nhân tâm", mong muốn gây thiện cảm với chị vì tin rằng như thế chị sẽ hết lòng chỉ bảo tôi.

Đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu

Tôi mời chị ấy đi ăn trưa thường xuyên. Những lúc nói chuyện, tôi cố gắng đón ý, ghi nhớ những điều chị quan tâm để tìm hiểu về chủ đề đó. Tôi tìm ra đủ thứ lý do để khen chị, tôi tặng chị những món quà nhỏ mỗi khi đi công tác hay du lịch…

Nhưng mọi chuyện không tiến triển như tôi mong đợi. Trong công việc, chị luôn chỉ bảo, hướng dẫn tôi rất tận tình cụ thể, đúng như vai trò một mentor nhưng chị giữ một khoảng cách với tôi, mặc dù rất lịch sự và chuyên nghiệp. Một hôm, tôi không nhớ chính xác mình đã làm gì nhưng hình như là tôi đã chạm vào cánh tay của chị trong lúc nói chuyện với cả nhóm, để thể hiện chúng tôi là đồng minh của nhau trong giải pháp đang thảo luận. Một lúc sau, chị nhắn tôi vào một phòng họp nhỏ chỉ có hai người, chị nói: "Phương à, tôi biết em cố gắng kết thân với tôi. Có thể vì em quý tôi, cũng có thể vì em nghĩ như thế sẽ tốt cho công việc của em. Tôi muốn em biết là tôi không thoải mái với việc này. Tôi nhận làm mentor của em vì đó là một phần công việc tôi được trả lương. Tôi cũng cần em bắt kịp nhịp độ của dự án để không ảnh hưởng đến tiến độ của nhóm nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ thành bạn của nhau bên ngoài công việc. Em đừng cố làm như vậy, điều này khiến tôi đôi khi không thấy dễ chịu’’.

Học cách chuyên nghiệp của người Tây - Ảnh 1.

Làm việc nhóm ở Thụy Sĩ. Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi nhớ mình lúc đó rất xấu hổ nhưng đã bình tĩnh xin lỗi chị. Sau đó, chúng tôi trở lại làm việc như bình thường.

Nửa năm sau, dự án nhóm chúng tôi phụ trách hoàn thành. Tôi được cử lên làm nhóm trưởng một dự án nhỏ khác trong một đại dự án của tập đoàn, có đội ngũ hơn 40 người, đến từ hơn 10 quốc gia, để triển khai ở hơn 150 nước mà tập đoàn có chi nhánh. Trong buổi giới thiệu dự án mới của nhóm mình với toàn bộ đội ngũ thực hiện, tôi đề nghị xin một tư vấn kỹ thuật chuyên biệt cho nhóm của tôi vì tính chất đặc thù của dự án này. Thật bất ngờ, chị (cựu) mentor của tôi đã nhận lời. Tôi mừng như bắt được vàng vì chị là người giỏi nhất về chuyên môn.

Sau buổi họp, tôi xin gặp riêng chị. Tôi nhớ lúc đó mình nói với chị mà vẫn còn run, tôi bảo: "Em rất cảm ơn chị. Em quả thật quá bất ngờ vì chị vào nhóm em, như thế là chị đã không còn giận em?’’. Chị ấy nhìn tôi ngạc nhiên: "Tôi chưa bao giờ nói tôi giận em cả. Tôi vào nhóm em vì tôi thích dự án này. Những nước lần này nhóm em phụ trách có một số vấn đề khó khăn về kỹ thuật mà sẽ rất tuyệt nếu tìm ra giải pháp, tôi thích thử thách này’’. "À vâng ạ!’’. Tôi lại thấy mình hụt hẫng thêm lần nữa, đang bối rối tìm cách ra khỏi tình huống này thì chị nói tiếp: "Phương hãy học cách làm việc ở đây nhé, chúng ta cần làm tốt công việc cùng nhau, trước khi trở thành bạn của nhau, hoặc nếu không là bạn của nhau thì vẫn có thể làm tốt công việc cùng nhau. Don’t take it personally!’’.

Cần cách làm việc chuyên nghiệp

"Don’t take it personally!". Một trong những lời khuyên giá trị nhất trong những năm làm việc vừa qua của tôi ở Thụy Sĩ.

Tôi thú thật khá bối rối khi phải dịch cụm từ này ra tiếng Việt. Nếu dịch nghĩa "đừng coi đó là chuyện cá nhân’’ thì nghe cũng tạm. Tuy nhiên, để diễn đạt đúng hơn trạng thái cảm xúc của cụm từ này, tôi nghĩ phải thay trạng từ "personally’’ trong tiếng Anh thành một động từ trong tiếng Việt ở ngữ cảnh này: "tự ái’’. Đừng có tự ái chứ!

Người châu Á chúng ta vốn trọng tình và trọng thể diện. Bởi vậy nên khi làm việc, chúng ta có khuynh hướng xây dựng một mối quan hệ thân tình trước, rồi mới xét đến khả năng làm việc được cùng nhau hay không. Phải quý nhau, phải thích nhau, phải thấy hợp nhau mới làm việc với nhau được. Nhưng trong môi trường làm việc ở phương Tây (nơi tôi làm việc) thì không như vậy. Chúng tôi cần làm việc một cách chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp ở đây được định nghĩa là việc đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, bên ngoài cảm xúc cá nhân về người mình làm việc cùng. Và đó là việc không dễ dàng, ít nhất với bản thân tôi, trong những ngày tháng đầu hòa nhập nền văn hóa này.

Việc kiểm soát được tính tự ái, kiểm soát phản ứng trước những cảm xúc tiêu cực khi cái tôi/ego (bản ngã) bị tổn thương đem lại rất nhiều hiệu quả cho công việc và sự bình an trong cuộc sống. Đó là một hành trình với những cuộc chiến nội tâm không dễ dàng nhưng kết quả thì rất xứng đáng.

Có hai khía cạnh căn bản trong việc kiểm soát tính tự ái. Thứ nhất, đó là việc bám rễ vào những giá trị nội tại của mình; biết rất rõ bản thân mình là ai trong những tình huống nhất định, để không bị cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến mình. Trở lại với câu chuyện về chị mentor của tôi. Khi chị ấy từ chối thẳng thắn việc làm bạn với tôi, ban đầu, tôi thấy khá tổn thương. Sau khi suy nghĩ thấu đáo về chuyện này, tôi không còn cảm thấy tồi tệ về việc bị từ chối nữa, thậm chí tôi còn tôn trọng chị ấy hơn khi chị không muốn làm bạn với tôi nhưng vẫn rất chuyên nghiệp trong công việc khi làm cùng tôi. Đó chính là một hình mẫu mà tôi cần học tập.

Khi đã bỏ những cảm xúc tiêu cực sang một bên, chúng tôi làm việc cùng nhau rất ăn ý để hoàn thành dự án đó. Và rồi, tôi được cử làm trưởng nhóm một dự án khác. Chúng tôi tiếp tục làm việc tốt đẹp với nhau trong một năm tiếp theo; sau đó mỗi chúng tôi có những hướng đi khác nhau trong nghề nghiệp. Đến bây giờ tôi chưa một lần gặp lại chị nhưng trong thâm tâm vẫn luôn biết ơn chị.

Sau mỗi lần dự án hoàn thành, sếp tôi sẽ thu nhận ý kiến đánh giá của những người làm việc trong nhóm về trưởng nhóm. Có một ý kiến từng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: "Sự cầu toàn của cô ấy gây áp lực không cần thiết cho chúng tôi’’. Ban đầu, tôi cố thuyết phục bản thân mình rằng việc không chịu được áp lực của họ không phải vấn đề của mình. Nếu mình không tạo áp lực, sao họ hoàn thành công việc với chất lượng cao như vậy. Nhưng mãi tôi vẫn không khỏi nhức nhối về lời nhận xét ấy. Đến một lúc, khi đủ thành thực với bản thân mình, tôi nhận ra rằng đúng là sự cầu toàn của tôi có phần xuất phát từ sự ích kỷ.

Khi đủ thành thật nhìn nhận "đó chính là vấn đề của tôi’’, tôi tôn trọng sự đánh giá, phê bình của người khác; nghĩ về việc cải thiện khuyết điểm của mình; rất nhanh chóng tự cảm thông với bản thân, tự thương mình và tự tìm đến những giá trị nội tại của mình để trân trọng bản thân mình hơn.


Chu Hoài Phương/nld.com.vn

https://nld.com.vn/van-nghe/hoc-cach-chuyen-nghiep-cua-nguoi-tay-2023081220354252.htm 

  • Từ khóa