Gắn kết hơn nữa đào tạo với tuyển dụng

Thứ 6, 27.10.2023 | 14:29:40
400 lượt xem

Đào tạo với tuyển dụng là mối quan hệ mang tính mật thiết, giải quyết chất lượng nguồn nhân lực và việc cung - cầu trên thị trường lao động hiện nay

Ngày 26-10, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình tọa đàm "Kết nối đào tạo với tuyển dụng sao cho hiệu quả?" với sự tham gia của khách mời đến từ các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp (DN). Đây cũng là chương trình cuối cùng trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 22 năm 2023 của Báo Người Lao Động.

Thị trường cần lao động nhiều bậc đào tạo

Là lãnh đạo một DN lớn trong lĩnh vực phân bón và giải pháp canh tác cho ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết tại DN, lực lượng kỹ sư tay nghề cao chiếm khoảng 20%, còn lại là lao động từ trung cấp trở lên.

"Lĩnh vực nào cũng vậy, luôn có những DN cần tay nghề vừa phải. Nhiều bằng chứng cho thấy các DN vừa và nhỏ, DN thiên về bán hàng, kinh doanh F&B luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ trung cấp, cao đẳng" - ông Tâm nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, cho biết các bậc học luôn có nguồn nhân lực nhất định với thị trường lao động. Không chỉ học ĐH mới có thể dễ dàng xin việc làm. Thế mạnh của chương trình giáo dục nghề nghiệp là sinh viên tập trung rèn luyện tay nghề, khi ra trường có thể làm việc ngay. Với sinh viên trường nghề, sự chủ động là điểm cộng để dễ dàng tìm việc làm.

Gắn kết hơn nữa đào tạo với tuyển dụng - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi tại chương trình


"Thất nghiệp là điều dễ xảy ra nhưng người lao động phải chịu khó thích nghi, thử sức ở những vận hội mới. Lý do hơn 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm là vì nhu cầu lao động của DN rất lớn, đặc biệt là lao động có tay nghề vừa phải" - ông Nguyễn Hữu Thọ nhìn nhận.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng số sinh viên thất nghiệp chủ động ngày càng tăng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Từ xin việc, tìm việc, sinh viên bắt đầu chọn việc nhiều hơn. Thất nghiệp chưa chắc là điều tồi tệ, đôi khi đây là giai đoạn sinh viên đang lựa chọn, cân đo đong đếm công việc tốt nhất.

Nhận định về việc nhiều sinh viên ra trường không thể bám trụ với nghề, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ DN, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết những năm gần đây, sinh viên mải mê chạy theo những ngành học trào lưu mà quên đi đam mê, sở thích của mình.

"Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp rất quan trọng. Nếu học ngành không thích, sinh viên vẫn có thể tốt nghiệp nhưng đối mặt với DN, sinh viên không thể bộc lộ năng lực bản thân" - bà Phụng khẳng định.

Nhân sự đa năng có lợi thế cạnh tranh

Thị trường lao động luôn biến đổi không ngừng, đòi hỏi người lao động không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng bao quát và thích nghi.

Từ góc độ cơ sở đào tạo, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết các DN khi làm việc với trường về tuyển dụng nhân sự đều mong muốn tuyển dụng những người có đủ trình độ, có khả năng bao quát ở nhiều vị trí khác nhau. Trên cơ sở ý kiến của DN, trường liên tục có sự điều chỉnh về chương trình đào tạo để bảo đảm chuyên môn nền tảng, đáp ứng thực tế yêu cầu nhằm tham gia thị trường lao động. Tại nhiều trường ĐH, các ngành nghề đều có sự liên thông với nhau để sinh viên tốt nghiệp ngành thứ nhất có thể học thêm ngành thứ hai và bổ sung kiến thức ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Gắn kết hơn nữa đào tạo với tuyển dụng - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Tâm (bên trái) và TS Trần Đình Lý cho rằng nhà trường - doanh nghiệp cần siết tay nhau để đào tạo nhân lực đáp ứng thị trường lao động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ở góc độ DN, ông Phan Văn Tâm cho rằng đào tạo sinh viên không chỉ có chuyên môn tốt mà còn đảm nhận được nhiều công việc khác nhau là vấn đề DN quan tâm. Nếu sinh viên ra trường, ngoài chuyên môn mà không có kiến thức khác là một hạn chế. DN quan tâm cá nhân đa năng để có thể chuyển đổi, phù hợp ngay với sự biến đổi không ngừng của xã hội.

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý cho rằng người đa năng có thể làm được nhiều vị trí nhưng cũng có những ngành nghề đặc thù cần chuyên môn sâu.

Nhà trường - doanh nghiệp cần siết tay nhau

Kết nối đào tạo - tuyển dụng suy cho cùng là chung tay trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, việc này lại phụ thuộc nhiều vào các bên liên quan.

Ông Phan Văn Tâm cho rằng công việc tốt cần bắt đầu từ niềm đam mê nhưng xu hướng chọn ngành ngân hàng của nhiều học sinh hiện nay lại theo xu hướng mà nhiều khi không xuất phát từ năng lực hay sự phù hợp.

Cùng quan điểm, TS Trần Đình Lý cho rằng khi chọn ngành học, học sinh cần tham khảo thầy cô, cha mẹ và những người đi trước... nhưng tương lai của mình phải do các em quyết định. Để đưa ra quyết định, các em cần công cụ, phương pháp đánh giá khả năng, năng lực, sở trường của mình.

Theo TS Trần Đình Lý, sự hợp tác nhà trường - DN không chỉ bó hẹp ở việc DN tham gia tuyển dụng, xây dựng chương trình đào tạo mà còn thể hiện ở việc đặt hàng đào tạo. Khi hợp tác với DN, trường tiếp nhận được các yêu cầu đặt hàng. Thậm chí, nhiều DN trả học phí cho người học, cấp học bổng cho sinh viên và cũng không ràng buộc các em phải làm việc cho mình.

Một dạng đặt hàng nữa là thông qua các dự án nghiên cứu. Nhiều DN rất quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại để nghiên cứu, giảng viên tham gia với tư cách là chuyên gia. Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhiều DN đã đặt hàng đào tạo sinh viên, học viên cao học để thực hiện các dự án lớn...

"Nhà trường - DN không chỉ bắt tay nhau mà còn cần phải siết tay nhau cho mục tiêu đào tạo" - TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, quá trình thực tập tại DN của sinh viên rất quan trọng. Trong quá trình thực tập hoặc xin việc, sinh viên nên chấp nhận thử sức ở những lĩnh vực gần với chuyên ngành đào tạo. Thái độ của các em là chìa khóa để DN lựa chọn lao động.

Ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng kết nối là công việc dài hơi, không chỉ giữa nhà trường với DN mà còn nhà trường với sinh viên, DN với sinh viên... để người học có sự lựa chọn đúng đắn, nhà trường đào tạo được nhân lực chất lượng, DN tuyển dụng được nhân sự đạt yêu cầu. 


Các bên cần ngồi lại với nhau

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng dù thông tin trên môi trường internet rất nhiều nhưng thực tế, học sinh, sinh viên khi chọn ngành đa phần không biết học ngành này ra trường làm gì, ở đâu. Sinh viên phải hiểu là tùy vào từng chuyên ngành khác nhau sẽ làm việc ở những vị trí khác nhau.

"Tôi cho rằng chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động đang đi đúng hướng và cần làm sớm để định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh từ khi bước vào bậc THPT" - bà Phụng nhận xét.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, cần có sự kết nối ở phạm vi lớn, liên ngành với nhau để mục đích cuối cùng là đào tạo đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, trong chiến lược hợp tác nhà trường - DN, các bên cần ngồi lại với nhau hằng năm, có những ý kiến, góp ý để các trường đánh giá chung, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên để khi tốt nghiệp, các em đáp ứng được thị trường lao động ở từng vị trí việc làm. Khi đó, sinh viên cũng thể hiện giá trị của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển của DN...


  • Từ khóa